Trong thời gian niềng răng, răng và khoang miệng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Do đó, việc vệ sinh răng miệng là rất cần thiết, nhưng phải đúng cách. Thao tác vệ sinh sai có thể gây ra tổn thương và giảm hiệu quả chỉnh nha. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ những hướng dẫn của chuyên gia về việc vệ sinh răng miệng khi niềng răng.
Mục lục
1. Tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng đúng cách khi niềng răng
Miệng là điểm đầu trong hệ tiêu hóa, có vai trò nghiền nát và nhào trộn thức ăn. Quá trình này khiến thức ăn dễ bám đọng trên bề mặt răng và trong kẽ răng. Mặt khác, các khí cụ niềng răng tạo ra nhiều khe hở cho thức ăn đọng lại hơn. Bởi vậy, nếu không được vệ sinh đúng cách, khoang miệng có thể trở thành môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển và gây các bệnh viêm, nhiễm trùng răng miệng.

Bên cạnh đó, thức ăn ứ đọng trong khoang miệng sau một thời gian sẽ bị lên men, gây mùi và làm biến đổi pH khiến môi trường trong khoang miệng bị axit hóa. Tình trạng này kéo dài có thể làm tổn hại men răng, khí cụ niềng răng, làm giảm hiệu quả điều trị và gây ra vấn đề về hơi thở.
Ngoài ra, răng miệng không được vệ sinh đúng cách có thể dẫn đến tình trạng ố vàng men răng, xỉn hoặc nhiễm màu khí cụ niềng răng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thẩm mỹ và sự tự tin trong quá trình giao tiếp. Bởi những lý do trên, vệ sinh răng miệng đúng cách khi niềng răng là việc làm quan trọng, cần được thực hiện đều đặn mỗi ngày.
2. Hướng dẫn vệ sinh răng miệng khi niềng
Vệ sinh răng miệng khi niềng răng không đòi hỏi kỹ thuật hay thao tác khó. Tuy nhiên, để răng và khoang miệng được làm sạch tốt nhất, bạn cần kết hợp đồng thời nhiều bước làm sạch. Quan trọng hơn, bạn cần tỉ mỉ và chỉn chu trong mỗi lần thực hiện.
2.1 Đánh răng
Đánh răng là là bước làm sạch đầu tiên khi vệ sinh răng miệng cho người niềng răng. Tùy vào bề mặt răng cần làm sạch mà bạn cần điều chỉnh thao tác cho phù hợp, cụ thể:
- Mặt ngoài răng: Chải vòng tròn nhẹ nhàng hoặc theo chiều dọc của răng. Chải nhẹ nhàng và kỹ lưỡng bề mặt của tất cả các răng trên hàm, đặc biệt chú ý vào các khe như kẽ răng hay khe mắc cài.
- Mặt nhai của răng: Chải chéo theo sự sắp xếp của răng. Ở mặt này, bạn có thể dùng lực mạnh hơn một chút và chải kỹ để làm sạch các rãnh nhai trên răng hàm.
- Mặt trong của răng: Nghiêng chéo bàn chải một góc khoảng 45 độ để làm sạch bề mặt và các kẽ răng

Mỗi ngày, bạn nên đang đánh răng 3 lần, sau bữa ăn để đảm bảo khoang miệng luôn được làm sạch một cách tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau khi đánh răng:
- Bàn chải: Chọn loại lông mềm, kích thước vừa với khoang miệng. Nếu có thể, hãy chọn loại bàn chải chuyên dụng (bàn chải kẽ) giúp làm sạch tốt hơn. Chủ động thay khi lông bàn chải bị xơ.
- Kem đánh răng: Chọn loại có chứa flouride giúp tái tạo và củng cố men răng, ngăn chặn quá trình sâu răng hình thành và tiến triển.
Có thể bạn quan tâm: Niềng răng dùng bàn chải loại nào?
2.2 Dùng chỉ nha khoa
Theo các chuyên gia, dù sử dụng bàn chải sợi mảnh chuyên dụng nhưng đánh răng vẫn không thể làm sạch hoàn toàn các kẽ răng và khe mắc cài. Vậy nên, sau khi đánh răng, bạn nên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ hoàn toàn cặn thức ăn trong kẽ răng.

Cách làm sạch răng với chỉ nha khoa như sau:
- Dùng đoạn chỉ nha khoa khoảng 30 – 45cm, sau đó cuộn hai đầu chỉ vào hai ngón tay giữa.
- Sử dụng hai ngón cái và ngón trỏ để kéo căng một đoạn chỉ khoảng 3 – 5 cm.
- Điều chỉnh để sợi chỉ len vào kẽ răng, sau đó kéo lên xuống để làm sạch cặn thức ăn.
- Lặp lại động tác trên 2 lần ở mỗi kẽ răng.
Với các khe mắc cài, bạn thực hiện tương tự bằng cách đưa sợi chỉ nha khoa đã kéo căng vào giữa khe mắc cài. Sau đó, kéo qua lại để làm sạch cặn thức ăn. Nếu cảm thấy việc căng sợi chỉ bằng ngón tay khó thực hiện, bạn có thể lựa chọn loại chỉ nha khoa đã được căng sẵn trên khung chữ C.
2.3 Dùng tăm nước
Tăm nước là thiết bị làm sạch răng và khoang miệng cực kỳ hiện đại và tiện lợi. Bằng việc sử dụng các tia nước có lực bắn mạnh, tăm nước giúp làm sạch các kẽ răng và khe niềng răng nhanh chóng và đơn giản. Dụng cụ đặc biệt phù hợp để làm sạch cho các răng hàm, vị trí khó làm sạch bằng chỉ nha khoa hay đánh răng.

Tuy nhiên, chi phí của các sản phẩm tăm nước hiện khá cao nên không phải là lựa chọn được ưu tiên cho tất cả mọi người. Bạn hãy cân đối vấn đề kinh tế và hiệu quả để đưa ra quyết định phù hợp nhất với mình.
2.4 Dùng nước súc miệng
Nước súc miệng có khả năng rửa trôi những cặn thức ăn, tan mảng bám trên răng, lưỡi và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn. Theo các nha sĩ, bạn nên lựa chọn loại nước súc miệng chứa flouride để giảm cảm giác ê buốt, ngừa sâu răng và bảo vệ khí cụ niềng răng tốt hơn.

Bạn có thể sử dụng trực tiếp hoặc pha loãng rồi súc miệng bình thường. Khi súc miệng, không nên để nước chảy sâu xuống vùng cổ họng. Mỗi lần súc miệng nên kéo dài khoảng 30 giây là có thể hoàn tất quá trình vệ sinh răng miệng.
2.5 Lấy cao răng định kỳ
Dù vệ sinh răng miệng cẩn thận nhưng rất khó tránh khỏi việc hình thành các mảng cao răng. Phần này còn được gọi là vôi răng, có kết cấu chắc chắn, màu đen hoặc ố vàng gây mất thẩm mỹ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng như: sâu răng, viêm nha chu, hôi miệng,…

Rất khó loại bỏ bằng thao tác vệ sinh thông thường mà cần có kỹ thuật chuyên môn và thiết bị chuyên dụng. Vì vậy, bạn cần đến các cơ sở nha khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để làm sạch cao răng.
3. Các lưu ý khác khi chăm sóc răng niềng
Bên cạnh thói quen vệ sinh răng miệng đều đặn mỗi ngày, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây để quá trình niềng răng có được kết quả tốt nhất:
- Tránh ăn đồ cứng: Đặc biệt là thời điểm mới niềng răng hoặc sau khi điều chỉnh niềng. Ăn đồ cứng lúc này có thể khiến răng bị đau nhức, ê buốt và dễ làm hỏng khí cụ niềng răng.
- Tránh ăn thực phẩm dễ bắt màu: Những người niềng răng mắc cài sứ hay khay trong suốt nên hạn chế ăn thực phẩm dễ bắt màu (cà phê, cà chua, sốt, rượu vang…) và cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ ngay sau khi ăn những thực phẩm này để mắc cài hay khay không bị ố.
- Hạn chế ăn đồ dính: Làm tăng lượng thức ăn ứ đọng ở các kẽ răng và khe niềng, khiến việc vệ sinh răng miệng khó khăn và không đạt được hiệu quả như mong muốn.
- Giảm các đồ ăn ngọt và lên men: Khiến môi trường trong khoang miệng thay đổi nhanh chóng, làm tổn thương răng và khí cụ niềng răng.
- Uống nhiều nước: Giúp làm sạch khoang miệng, hạn chế ứ đọng thức ăn và vi khuẩn.
- Xử lý vết xước trong khoang miệng: Chú ý bôi sáp nha khoa lên khí cụ niềng răng, hạn chế ăn nhai ở vùng tổn thương và thăm khám bác sĩ nếu thấy sưng, đau bất thường.
- Xử lý mắc cài bị bong tuột: Xem chi tiết tại hướng dẫn này.
- Tư thế ngủ đúng: Nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng với góc phù hợp không tỳ đè quá nhiều lên mắc cài, tránh nằm sấp

Quá trình niềng răng thường kéo dài từ 1 – 3 năm. Đây cũng là khoảng thời gian tương ứng bạn cần thực hiện vệ sinh răng miệng đều đặn. Vậy nên, ngay từ khi bắt đầu, bạn cần chuẩn bị tâm lý, luôn thực hiện một cách tỉ mỉ và chỉn chu nhất để có việc niềng răng đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bác sĩ cho em hỏi là lúc niềng răng có đổi luôn kem đánh răng riêng cho răng niềng không ạ hay dùng loại bình thường vẫn được?
“Chào bạn Khi niềng răng bạn có thể dùng kem đánh răng trước đây vẫn thường dùng được. Nhưng tốt nhất là nên dùng kem đánh răng và bộ vệ sinh chuyên biệt cho người niềng răng để làm sạch răng tối ưu hơn, hạn chế mảng bám và sâu...[Xem thêm]