Niềng răng là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng răng hô hiệu quả nhất hiện nay. Vậy răng hô do nguyên nhân nào thì niềng được? Niềng răng hô có đau không? Có cần nhổ răng không?,… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc thường gặp về phương pháp niềng răng hô.
Mục lục
1. Răng hô khi nào niềng được?
Răng hô là một trong những dạng sai khớp cắn trong đó răng, xương hoặc cả răng và xương nhô ra phía trước gây nên sự sai lệch tương quan giữa hai hàm răng trên và hàm răng dưới. Răng hô không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, vệ sinh răng miệng mà còn tác động xấu đến thẩm mỹ gương mặt, khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng răng hô:
- Hô do răng: Đây là tình trạng hô gây ra bởi các răng mọc sai vị trí hoặc do sự phát triển của các răng quá lớn khiến khung xương hàm không đủ chỗ cho răng mọc nên răng bị chìa ra ngoài ít hoặc nhiều.
- Hô do hàm: Là tình trạng các răng mọc bình thường nhưng cấu trúc hàm trên phát triển quá mức so với hàm dưới hoặc cả hai hàm cũng phát triển quá nhiều và đưa ra phía trước quá mức so với cấu trúc xương của toàn khuôn mặt.
- Hô do cả răng và cấu trúc hàm: Đây là trường hợp hô phức tạp nhất khi có cả sự phát triển quá mức của hàm và các răng mọc chìa ra ngoài.
Niềng răng là phương pháp đã được áp dụng để điều trị tình trạng răng hô từ lâu. Phương pháp này sẽ sử dụng hệ thống khí cụ như mắc cài niềng răng, khay niềng, khí cụ chặn lưỡi, nong hàm, minivis, thun liên hàm,… Các khí cụ trên sẽ tạo áp lực lên răng giúp chúng di chuyển từng chút một trên khung hàm cho đến khi vào đúng vị trí đã định.
Chính vì vậy, niềng răng sẽ chỉ khắc phục hiệu quả được tình trạng hô có nguyên nhân là do răng. Niềng răng không thể tác động đến xương hàm nên đối với trường hợp hô do hàm, phương pháp này sẽ không thể mang lại hiệu quả tối ưu mà cần phải can thiệp phẫu thuật để điều chỉnh cấu trúc xương hàm mới có thể khắc phục hết được.
Đặc biệt, đối với tình trạng hô do cả răng và xương hàm, bạn có thể cần phải kết hợp cả phương pháp niềng răng và phẫu thuật để cải thiện hiệu quả.
Đọc thêm: Răng hô nên niềng hay bọc sứ thì tốt hơn?
2. Niềng răng hô có đau không?
Như đã trình bày ở phần trước, niềng răng về bản chất là sử dụng các khí cụ nha khoa để tạo áp lực lên răng, giúp nắn chỉnh các răng sai lệch và đưa răng về đúng vị trí trên cung hàm. Vì vậy, cảm giác ê ẩm, đau nhức do chịu lực tác động từ các dụng cụ niềng này là điều không thể tránh khỏi khi niềng răng, ngay cả đối với niềng răng hô.
Tuy nhiên, cảm giác đau nhức khó chịu khi niềng răng hô sẽ chỉ xuất hiện trong vài ngày ở một số giai đoạn nhất định chứ không hề đau liên tục, xuyên suốt. Bên cạnh đó, tùy vào ngưỡng chịu đau, tình trạng răng mà mỗi người sẽ cảm thấy đau nhiều hay ít, nhanh hay kéo dài.
Quá trình niềng răng sẽ có một số giai đoạn nhất định khiến bạn cảm thấy căng tức và ê buốt:
- Giai đoạn đặt chun tách kẽ: Khi bác sĩ gắn chun tách kẽ dày khoảng 2mm vào giữa kẽ các răng hàm nhằm tạo khoảng trống giúp răng di chuyển sau này, bạn sẽ có cảm giác ê nhức, cộm, vướng giống như bị giắt thức ăn vào kẽ răng.
- Giai đoạn gắn mắc cài và dây cung: Khi gắn mắc cài và dây cung sẽ tạo nên một lực kéo giúp di chuyển răng về đúng vị trí. Do chưa kịp thích ứng với bộ khí cụ nha khoa và chưa quen với lực kéo của dây cung nên bạn sẽ cảm thấy vướng víu, đau nhức, ê ẩm trong những ngày đầu. Cảm giác này sẽ giảm dần và biến mất sau một vài tuần khi bạn đã quen dần với lực siết răng.
- Giai đoạn nhổ răng: Trong một số trường hợp, bạn có thể được chỉ định nhổ răng để tạo khoảng trống cho răng dịch chuyển về vị trí mong muốn. Khi nhổ răng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê nên bạn hoàn toàn không cần lo lắng. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, bạn có thể bị đau nhức trong vài giờ đến vài ngày tùy vào cơ địa mỗi người.
- Siết răng định kỳ: Khi bạn đến tái khám, bác sĩ sẽ kiểm tra sự dịch chuyển của răng và tiến hành siết răng để giúp răng dịch chuyển. Quá trình này sẽ khiến bạn đau ê ẩm, khó chịu trong 2 – 3 ngày.
Riêng đối với niềng răng hô với khay niềng trong suốt, do sử dụng các khay nhựa dẻo trong suốt, ôm sát cung răng và không cố định quá chắc chắn nên lực tác động để dịch chuyển răng sẽ nhẹ nhàng và đều hơn so với lực siết từ mắc cài và dây cung, nhờ đó giúp giảm cảm giác đau và thời gian đau hơn so với niềng răng mắc cài truyền thống.
Bên cạnh đó, nhờ chất liệu an toàn, viền khay được cắt chỉnh chính xác, gọn gàng nên các khay niềng trong suốt sẽ không gây hại cho răng nướu hay lợi cũng như hạn chế các tổn thương không mong muốn như cọ xát vào nướu, mắc vào môi, má trong,… từ đó hạn chế cảm giác đau đớn, khó chịu.

Tuy phải trải qua những cơn đau dù ít dù nhiều nhưng niềng răng vẫn là giải pháp an toàn, hiệu quả cho những người muốn cải thiện khuyết điểm răng hô của mình. Do đó, bạn đừng quá sợ hãi mà bỏ qua phương pháp này vì kết quả và lợi ích mà nó mang lại cho hàm răng thực sự rất tuyệt vời và xứng đáng.
3. Khi nào niềng răng hô phải nhổ 4 cái răng?
Niềng răng hô có cần nhổ răng không? Khi nào cần phải nhổ 4 cái răng? là một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm, lo lắng trước khi lựa chọn thực hiện phương pháp niềng răng hô.
Trong thực tế, không phải tất cả mọi trường hợp niềng răng hô đều phải nhổ 4 cái răng. Bác sĩ chỉnh nha thường sẽ chỉ định nhổ 4 cái răng trong trường hợp răng hô nặng cần phải nhổ bớt răng để tạo khoảng trống cho răng di chuyển về vị trí phù hợp trên cung hàm, giúp quá trình đeo niềng đạt hiệu quả cao hơn.
Việc lựa chọn nhổ 4 răng nào sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhưng nhìn chung, các răng tiền hàm (răng thứ 4 và răng thứ 5 theo thứ tự từ phía trước) là những răng thường được lựa chọn nhiều nhất khi nhổ 4 răng để niềng.
Do nằm ở giữa cung hàm nên răng tiền hàm là vị trí lý tưởng, thuận tiện cho sự dịch chuyển của cả nhóm răng trước (răng cửa, răng nanh) và nhóm răng sau ( răng hàm), nhờ đó mà hàm răng được sắp xếp cân đối hơn, tránh tình trạng các răng bị dịch chuyển kém chuẩn.
Bên cạnh đó, răng số 4 và răng số 5 có hình thể và chức năng tương đồng với nhau, vì vậy khi cần nhổ 4 răng số 4 để niềng thì 4 răng ở vị trí số 5 hoàn toàn có thể thay thế răng số 4 thực hiện các chức năng ăn nhai, đảm bảo tính thẩm mỹ và ngược lại.
Ngoài lựa chọn nhổ răng số 4 và răng số 5, răng số 8 (răng khôn) cũng được chỉ định nhổ trong trường hợp những răng này làm ảnh hưởng đến quá trình dịch chuyển của các răng khác.
Răng số 8 không có vai trò trong việc ăn nhai và những chiếc răng này lại mọc trong cùng của cung hàm, rất khó vệ sinh, dễ mắc các bệnh lý nên việc nhổ răng khôn trước khi niềng sẽ giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý và những biến chứng răng khôn trên nguy hiểm. Đặc biệt, khi răng khôn có dấu hiệu mọc lệch thì việc nhổ răng khôn lại càng cần thiết để bảo vệ kết quả niềng răng.

Như vậy, để xác định xem mình có cần nhổ 4 răng khi niềng răng hô hay không, nếu cần thì nhổ răng ở vị trí nào, bạn cần đến nha khoa uy tín để được bác sĩ kiểm tra tình trạng răng cụ thể của mình, từ đó đưa ra chỉ định chính xác và phù hợp nhất.
Đọc thêm: Chỉ niềng răng hô hàm trên có được không?
4. Quy trình niềng răng hô diễn ra như thế nào?
Quy trình niềng răng hô sẽ phụ thuộc chủ yếu vào phương pháp bạn lựa chọn:
4.1. Quy trình niềng răng mắc cài
Bước 1: Thăm khám tổng quan
Trong bước này, bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành khám tổng quan sức khỏe răng miệng và tình trạng sai lệch răng của bạn. Trong trường hợp sức khỏe răng miệng của bạn không đảm bảo để thực hiện niềng răng, bạn có thể sẽ phải điều trị dứt điểm các vấn đề về răng miệng như viêm nướu, sâu răng, …trước khi thực hiện niềng.
Bác sĩ cũng sẽ tiến hành chụp X-quang răng trong bước này để đưa ra những đánh giá chính xác về tình trạng răng, nguyên nhân khiến răng bị hô,… Sau đó, bạn sẽ được chụp ảnh các góc mặt như góc chính diện, nghiêng 45 độ, cười há miệng, cắn chặt hàm, chụp trong và ngoài hàm.
Bước 2: Bác sĩ chỉnh nha tư vấn
Bác sĩ sẽ mô tả vấn đề về khớp cắn mà bạn đang gặp phải, đồng thời tư vấn phác đồ điều trị chi tiết, các vấn đề về loại mắc cài, thời gian niềng răng hô, chi phí niềng răng hô và chăm sóc răng sau khi niềng…
Bước 3: Ký hợp đồng chỉnh nha
Khi thống nhất được phương án điều trị, khách hàng và nha khoa sẽ cùng ký hợp đồng chỉnh nha.
Bước 4: Làm sạch răng
Y tá tại phòng khám sẽ tiến hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy dấu hàm để lưu trữ, sau đó đặt chun tách khe.
Bước 5: Gắn mắc cài
Khi việc chế tác mắc cài đã hoàn thành (thường sau 5 – 7 ngày), bác sĩ sẽ tiến hành gắn mắc cài niềng răng cho bạn.
Bước 6: Thăm khám định kỳ tại nha khoa
Sau khi bạn gắn xong mắc cài lên răng, quá trình kéo răng khi niềng sẽ bắt đầu diễn ra. Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ lên lịch tái khám định kỳ (thường là 2 – 4 tuần/lần) và hẹn bạn đến kiểm tra và thực hiện các thao tác nắn chỉnh răng (thay dây cung, nong hàm, bắt vít, đánh lún…).
Bước 7: Tháo mắc cài
Khi khớp cắn đã được điều chỉnh chuẩn và giữ ở vị trí ổn định, bác sĩ sẽ tháo mắc cài niềng răng cho bạn. Sau khi tháo niềng răng, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh đánh bóng răng và trao hàm duy trì.
4.2. Quy trình niềng răng trong suốt Invisalign
Bước 1: Thăm khám tổng quan
Tương tự như đối với niềng răng mắc cài, quy trình niềng răng trong suốt Invisalign sẽ bắt đầu bằng việc thăm khám tổng quát sức khỏe răng miệng để xác định bạn có đủ điều kiện để thực hiện niềng răng hay không và tiến hành điều trị triệt để các bệnh lý răng miệng nếu có.
Bác sĩ cũng sẽ chụp X – quang để tìm ra vấn đề sai lệch của răng và chụp ảnh các góc mặt.
Bước 2: Quét mẫu hàm với Itero
Ở bước này, bác sĩ sẽ quét mẫu hàm 3D với máy Itero, sau đó tiến hành phân tích và chẩn đoán, đồng thời lên kế hoạch chỉnh nha chi tiết theo từng giai đoạn. Bạn có thể được xem trước kết quả niềng răng của mình bằng hình ảnh mô phỏng 3 chiều.
Bước 3: Tư vấn và ký hợp đồng
Dựa trên phác đồ điều trị đã đặt ra, thời gian tháo niềng sẽ được dự kiến trước cho bạn. Khách hàng cũng sẽ ký hợp đồng điều trị cùng nha khoa trong bước này.
Bước 4: Chốt kế hoạch điều trị để báo sản xuất khay
Sau 7 – 10 ngày có clincheck ở Mỹ gửi về thì khách hàng sẽ được mời đến phòng khám để bác sĩ giải thích chi tiết phác đồ điều trị, sẽ có vài clincheck với kế hoạch điều trị và thời gian điều trị khác nhau để khách hàng so sánh.
Khách hàng và nha khoa thống nhất kế hoạch điều trị, sau đó nha khoa sẽ gửi thông báo sang Invisalign Hoa Kỳ để sản xuất khay niềng.
Bước 5: Sản xuất và nhận khay niềng
Mẫu khay niềng Invisalign sẽ được chế tác tại Hoa Kỳ. Sau 3 – 4 tuần, khách hàng có thể nhận khay và được bác sĩ hướng dẫn chi tiết cách sử dụng.
Bước 6: Thăm khám định kỳ
Đối với niềng răng Invisalign, khách hàng cần thăm khám định kỳ sau mỗi 6 – 8 tuần. Nếu bệnh nhân ở xa hoặc đi du học, đi nước ngoài thì có thể tự sắp xếp thời gian tái khám.
Bước 7: Hoàn thiện và đeo hàm duy trì.
Khi những chiếc răng sai lệch đã được điều chỉnh chuẩn và ổn định, khay niềng trong suốt sẽ được tháo ra hoàn toàn và quá trình niềng răng hô của bạn sẽ kết thúc. Bạn cần tiếp tục đeo hàm duy trì theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm: Niềng răng nên chọn loại nào thì tốt hơn?
5. Hình ảnh trước sau khi niềng răng hô
Dưới đây là một số hình ảnh kết quả trước và sau khi niềng răng hô bạn có thể tham khảo:



6. Răng có hô lại sau khi niềng không?
Niềng răng sẽ cải thiện hiệu quả tình trạng răng hô, nhờ đó giúp bạn sở hữu một hàm răng thẳng, đều cùng nụ cười tự tin, rạng rỡ. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả sau khi niềng răng cũng được như mong muốn. Tuy có tỷ lệ thấp nhưng răng hô lại vẫn có nguy cơ xảy ra sau khi tháo niềng.
Nguyên nhân của tình trạng hô trở lại sau khi niềng có thể do:
- Bác sĩ niềng răng thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật niềng chưa chính xác: Bác sĩ không giỏi chuyên môn về chỉnh nha, thiếu kinh nghiệm, thực hiện không đúng kỹ thuật hay không lên kế hoạch cụ thể từ ban đầu thì quá trình niềng răng của bạn thường khó đảm bảo. Các giai đoạn di chuyển và cố định răng khi niềng có thể sẽ không được tính toán, kiểm soát chính xác dẫn đến răng dịch chuyển sai và rủi ro bị hô lại sau tháo niềng là rất cao.
- Đeo hàm duy trì không đúng cách: Sau khi tháo niềng, răng sẽ chưa ổn định hoàn toàn và có thể dịch chuyển về vị trí ban đầu. Đeo hàm duy trì sẽ giữ răng tại đúng vị trí, ngăn cản sự di chuyển răng không mong muốn này. Nếu bạn đeo hàm duy trì không đủ thời gian hay quên đeo sẽ gây ra tình trạng di chuyển răng và lâu dần có thể khiến tình trạng hô tái phát sau niềng.
- Xác định sai nguyên nhân gây hô: Phương pháp niềng răng chỉ hiệu quả khi nguyên nhân khiến răng hô là do răng. Vậy nên, trước khi quyết định phương án điều trị, bác sĩ cần chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây hô, Trong trường hợp hô do xương hàm nhưng bác sĩ vẫn chỉ định niềng răng thì quá trình niềng sẽ không đạt hiệu quả và răng sau khi tháo niềng vẫn còn tình trạng hô.
- Chăm sóc răng sau niềng không đúng cách: Hô tái phát sau khi niềng răng hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn có những thói quen không tốt như: Ăn thực phẩm quá cứng, dai; Dùng lưỡi đẩy nhóm răng cửa sau khi đã tháo niềng; há miệng thở khi ngủ, nghiến răng, cắn, gặm đồ ăn, hoa quả bằng răng cửa sau khi tháo niềng,..

Tuy nhiên, tình trạng răng hô lại sau khi niềng có thể ngăn ngừa nhờ một số biện pháp gợi ý dưới đây:
- Sử dụng hàm duy trì đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tái khám định kỳ sau niềng để được theo dõi tình trạng răng miệng thường xuyên và kịp thời xử lý các vấn đề bất thường.
- Lựa chọn địa chỉ nha khoa uy tín để thực hiện niềng răng hô.
- Thực hiện chế độ an uống hợp lý dựa trên tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm mềm, nhiều dinh dưỡng, tránh hoặc hạn chế ăn như thức ăn quá dai, cứng, nhiều đường, quá nóng hoặc quá lạnh.
Trên đây là thông tin giải đáp cho những câu hỏi, thắc mắc thường gặp về phương pháp niềng răng hô. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp chỉnh nha này, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp cho bản thân để sở hữu hàm răng đều đẹp cùng nụ cười tự tin, rạng rỡ.
Tài liệu tham khảo:
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15039723/
- https://www.healthline.com/health/how-do-braces-work
- https://www.healthline.com/health/overbite-braces