Trồng răng implant là phương pháp phục hình răng bị mất hoặc hư hỏng được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, kỹ thuật này được xếp vào nhóm phẫu thuật nha khoa phức tạp, cần nhiều thời gian và quy trình chặt chẽ hơn bình thường. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này.
Mục lục
1. Trồng implant là gì?
Trồng răng implant là một phẫu thuật nha khoa sử dụng một trụ kim loại (implant) có cấu trúc giống như ốc vít cấy ghép vào xương hàm để thay thế cho phần chân răng đã mất hoặc hư hỏng. Sau một thời gian, xương phát triển xung quanh trụ implant và giữ cố định trụ.

Trụ implant được cố định đóng vai trò như một “mỏ neo” cho một răng nhân tạo được gọi là mão răng. Mão răng và trụ implant được kết nối thông qua một khớp Abutment giúp tạo hình thành một chiếc răng giống hệt răng thật về hình dáng, kích thước và chức năng.
Sở dĩ, trồng răng implant được ưa chuộng hơn hẳn những phương pháp khác bởi hàng loạt những lợi ích vượt trội như:
- Răng implant chắc chắn và linh hoạt, hoạt động tự nhiên với lực nhai có thể đạt từ 90 – 100% so với răng thật.
- Răng implant có màu sắc, hình dáng và kích thước giống y răng thật, đảm bảo độ thẩm mỹ cao.
- Không có khe hở nên không gây bám đọng thức ăn, hạn chế các bệnh lý răng miệng.
- Ngăn biến chứng tiêu xương hàm, tụt lợi ở vị trí mất răng.
- Giúp ổn định lực nhai, giảm tình trạng tăng nhạy cảm ở các răng kế cận.
- Không cần tháo ra để làm sạch mỗi ngày.
- Chất liệu implant tương thích cao với cơ thể nên tỷ lệ trồng răng implant thành công cao.
Người cấy ghép implant phải có xương hàm khỏe mạnh, đáp ứng các tiêu chí về bề dày, chiều cao, mật độ xương. Bởi vậy, sau khi mất răng, người bệnh nên trồng implant càng sớm càng tốt, tránh biến chứng tiêu xương hàm gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Một số trường hợp được cho là không thể cấy ghép răng implant gồm:
- Người mắc bệnh cấp tính, bệnh chuyển hóa hoặc nhiễm trùng xương, mô mềm, tiểu đường, HIV – AIDS, rối loạn hành vi tâm thần hoặc thói quen cận chức năng (như nghiến răng)
- Người từng điều trị loãng xương bằng biphosphat, hóa trị, xạ trị đầu hoặc cổ.
- Người thường xuyên hút thuốc
2. Trồng răng implant mất bao lâu?
Trồng răng implant là một trong những phương pháp phục hình răng đã mất cần nhiều thời gian nhất, dao động từ 3 – 12 tháng tùy theo sức khỏe người bệnh. Khoảng thời gian này được quyết định chủ yếu bởi quá trình cắm trụ implant và thời gian chờ trụ tích hợp vào xương hàm. Cụ thể:
- Xương hàm đạt chuẩn, sức khỏe tốt: Người bệnh chỉ cần khoảng 1 ngày cho thăm khám và cấy ghép implant. Thời gian chờ trụ tích hợp từ 3 – 6 tháng.
- Xương hàm chịu lực kém: Như ở răng cửa hoặc răng hàm dưới, thời gian cấy ghép implant có thể từ 5 – 7 ngày. Thời gian chờ trụ tích hợp từ 3 – 6 tháng.
- Xương hàm bị tiêu biến: Bác sĩ cần thực hiện ghép xương hoặc kích xương tăng trưởng và chờ phục hồi khoảng 1 – 6 tháng. Sau đó, cắm implant và chờ trụ tích hợp từ 3 – 6 tháng.

Sau khi trụ implant đã được tích hợp vào xương hàm, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng để thiết kế mão răng phù hợp. Khi có mão răng, bác sĩ sẽ tiến hành lắp mão vào trụ implant thông qua khớp nối Abutment để hoàn thiện.Thời gian chế tác mão răng thường kéo dài khoảng 2 – 3 ngày.
Như vậy, các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến thời gian trồng implant gồm có:
- Tình trạng xương hàm: Xương hàm khỏe mạnh, đạt chuẩn thì thời gian trồng implant càng nhanh.
- Chất liệu mão răng: Các loại mão cao cấp, tinh xảo thì thời gian chế tác lâu hơn.
- Cơ sở nha khoa: Cơ sở nha khoa lớn, chuyên nghiệp giúp rút ngắn thời gian chờ thăm khám và chế tác mão răng.
Bạn có thể căn cứ vào một số yếu tố trên để ước lượng thời gian cần thiết để hoàn thiện quá trình trồng implant. Hoặc, đơn giản hơn là trực tiếp tìm đến cơ sở Nha khoa để thăm khám và nhận tư vấn chính xác của bác sĩ thời gian trồng implant cho trường hợp của bản thân.
3. Quy trình cấy ghép răng implant
Quy trình cấy ghép implant có thể khác nhau ở mỗi cơ sở nha khoa. Dưới đây chi tiết các bước tại Trung Tâm Nha khoa Quốc tế Phú Hòa để bạn đọc tham khảo:
3.1 Thăm khám và tư vấn, chụp X – quang.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng răng miệng và khai thác các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người bệnh. Sau đó, người bệnh được chỉ định chụp X – quang để xác định tình trạng xương hàm của bệnh nhân và tư vấn phương pháp trồng răng, loại trụ implant, chất liệu mão răng và các kỹ thuật phụ trợ cần thiết để trồng răng implant.

Cuối cùng, bác sĩ sẽ thông báo về các khoản chi phí và thời gian cụ thể trước khi tiến hành trồng implant. Nếu có thắc mắc, người bệnh có thể trực tiếp trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.
3.2 Gây tê
Bác sĩ thực hiện gây tê tại chỗ vùng răng được phẫu thuật. Quá trình này diễn ra nhanh chóng và không đau nên người bệnh không cần quá lo lắng. Trong quá trình này, các thiết bị và không gian phẫu thuật sẽ được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo tiêu chí vô khuẩn.
Sau khi thuốc tê phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật ghép xương hoặc cấy ghép implant. Một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể tiến hành gây mê để loại bỏ hoàn toàn cảm giác đau đớn hoặc sợ hãi trong thời gian phẫu thuật.
3.3 Phẫu thuật ghép xương hàm (nếu cần)
Hiện nay, một trụ implant có kích thước tối thiểu là chiều dài 6.0mm và đường kính là 3.0mm. Bởi vậy, xương hàm quá mỏng, xương hàm thấp hoặc mật độ xương không đạt tiêu chuẩn thì bạn cần ghép xương.

Vật liệu ghép xương hàm có thể sử dụng gồm:
- Xương tự thân: Lấy từ các vị trí khác trong cơ thể như xương góc hàm hay xương cằm để ghép vào vùng hàm. Do là xương của cơ thể nên tỷ lệ thành công cao.
- Xương tổng hợp: Thường có nguồn gốc từ san hô giúp tạo khoảng trống để xương tự thân phát triển. Sau khoảng 6 tháng thì sẽ đạt tiêu chuẩn.
Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ cần cấy ghép xương nhỏ thì có thể thực hiện cùng lúc với phẫu thuật cấy ghép implant. Điều này sẽ được bác sĩ tư vấn trực tiếp trong quá trình thăm khám.
3.4 Đặt implant
Phẫu thuật đặt implant được bác sĩ thực hiện bằng cách dùng dao rạch một đường mở lợi và bóc tách niêm mạc, làm lộ xương hàm. Tiếp đó, bác sĩ khoan một lỗ trên xương hàm có kích thước phù hợp và tiến hành ghép trụ implant. Quá trình này thường diễn ra trong khoảng 10 phút.

Lúc này, phần mão răng phía trên sẽ được đặt tạm bằng một răng nhựa giả có thể tháo lắp vệ sinh, phục vụ cho hoạt động ăn nhai hàng ngày. Thời gian tiếp theo, xương hàm sẽ tiếp tục phát triển để hợp nhất với bề mặt của implant, tạo ra một chân răng chắc chắn như răng thật. Quá trình này thường diễn ra trong khoảng 3 – 6 tháng.
3.5 Tái khám
Sau 1 tuần kể từ khi cấy implant, vùng nướu ở vị trí phẫu thuật bắt đầu lành lại, người bệnh cần quay trở lại cơ sở nha khoa để tái khám, kiểm tra. Tùy theo tình trạng của vết thương mà bác sĩ sẽ kê thuốc và đặt lịch tái khám tiếp theo. Bạn cần tuân thủ chỉ định thăm khám để quá trình trồng răng diễn ra thuận lợi.
3.6 Đặt trụ cầu
Đặt trụ cầu là tiểu phẫu được thực hiện sau khi trụ implant đã tích hợp vào xương hàm. Kỹ thuật này có thể được thực hiện trong môi trường bình thường sau khi người bệnh được gây tê cục bộ.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ mở lại phần nướu để lộ trụ implant đã được cấy ghép. Sau đó, một khớp Abutment được gắn trực tiếp vào implant. Sau cùng, bác sĩ khâu vết thương nhưng vẫn để lộ phần trụ cầu. Trường trụ cầu đã được gắn sẵn vào implant trước khi cấy ghép thì người bệnh không cần thực hiện tiểu phẫu này. Trong khoảng 2 tuần, vùng nướu lành lại là bạn có thể tiến hành gắn mão răng để hoàn thiện.
3.6 Lắp răng sứ
Sau khi trụ implant tích hợp vào xương, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng để chế tác phần mão răng giả. Sau 2 – 3 ngày, mão răng hoàn thiện sẽ được gắn trực tiếp lên implant thông qua khớp Abutment. Chiếc răng mới có độ bền, tính thẩm mỹ và tuổi thọ tương đương như răng thật.

Tùy theo nhu cầu mà bạn có thể yêu loại mão răng tháo rời hoặc cố định, cụ thể:
- Mão răng tháo rời: Thường áp dụng trong trường hợp nhiều mão sứ gắn chung trụ implant. Người bệnh có thể tháo rời một phần hoặc hoàn toàn để vệ sinh hàng ngày.
- Mão răng cố định: Được bắt vít vĩnh viễn trên trụ implant, bạn không cần phải tháo ra để vệ sinh mỗi ngày. Thường áp dụng khi trồng implant đơn lẻ hoặc cầu răng sứ.
4. Câu hỏi thường gặp về quy trình cấy ghép răng implant
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp trong quá trình người bệnh trồng răng implant.
Cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành cấy ghép?
Cấy ghép implant là một phẫu thuật nha khoa phức tạp nhưng tỷ lệ thành công cao. Vậy nên, bạn không cần quá lo lắng, những yếu tố sau sẽ giúp quá trình trồng implant diễn ra thành công hơn:
- Thông báo rõ ràng cho bác sĩ về tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc và các vấn đề liên quan đến sức khỏe hiện tại.
- Kiêng sử dụng thuốc lá ít nhất 1 tháng trước khi cấy implant, đồng thời hạn chế sử dụng rượu bia và các chế phẩm có chứa chất kích thích.
- Lựa chọn trụ implant phù hợp, tỷ lệ tích hợp xương hàm cao.
- Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo lắng hay áp lực quá mức.

Quy trình cấy ghép răng implant có rủi ro nào không?
Bản chất của trồng implant là một phẫu thuật nên người bệnh có thể đối diện với một số rủi ro như:
- Nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật.
- Chảy máu sau phẫu thuật kéo dài.
- Tổn thương thần kinh và cấu trúc quanh vị trí cấy ghép
- Tổn thương xoang

Để hạn chế tình trạng này, bạn cần tìm đến những cơ sở Nha khoa uy tín có bác sĩ giỏi và máy móc hiện đại.Cấy ghép nha khoa thường thành công
Sau khi cấy ghép răng implant nên lưu ý gì?
Vấn đề mà bất cứ người bệnh nào cũng phải đối diện sau khi cấy ghép implant là tình trạng chảy máu, sưng đau nướu và mặt. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên:
- Lựa chọn thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt không cần phải nhai, cắn nhiều.
- Không ăn đồ quá nóng và quá lạnh vì nó có thể làm tăng cơn đau và khiến vết thương lâu lành.
- Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng, tránh làm xước vùng răng, nướu.
- Tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Trên đây là nội dung giải thích về quá trình và thời gian liên quan đến phẫu thuật implant. Hy vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn hiểu rõ ràng và đưa ra lựa chọn đúng đắn cho phẫu thuật nha khoa này.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/dental-implant-surgery/about/pac-20384622
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/327515#about
- https://www.healthdirect.gov.au/dental-implant