Niềng răng là phương pháp thẩm mỹ nha khoa phổ biến hiện nay giúp mang lại cho người sử dụng hàm răng như ý. Có nhiều loại khí cụ phục vụ cho quá trình này với những công dụng, vai trò khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tới bạn đọc về lò xo niềng răng và vai trò của chúng trong thẩm mỹ nha khoa.
Mục lục
1. Lò xo niềng răng là gì?
Khí cụ niềng răng nói chung dùng để chỉ các dụng cụ phục vụ cho quá trình niềng răng, giúp hỗ trợ nắn chỉnh hàm răng người dùng. Ở mỗi đối tượng khác nhau, tình trạng bộ răng cũng như mong muốn điều chỉnh khác nhau. Tuỳ vào từng trường hợp, các chuyên gia sẽ có những chỉ định dùng khí cụ niềng răng sao cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả nhất.
Hai hình thức niềng răng chính là: niềng răng có mắc cài và niềng răng trong suốt. Lò xo niềng răng là một trong những loại dụng cụ phổ biến được áp dụng ở phương pháp niềng răng có mắc cài.

Lò xo niềng răng sản xuất dựa trên đảm bảo các yếu tố: chất liệu, độ bền, kích thước… Lò xo cần được làm bằng chất liệu phù hợp, có độ đàn hồi, dẻo dai nhất định, tránh bị đứt gãy hoặc quá cứng trong quá trình sử dụng. Thông thường, các nhà sản xuất lựa chọn thép không gỉ để làm ra sản phẩm này.
Hình dạng lò xo tương tự các lò xo thông thường mà bạn từng thấy, tuy nhiên kích thước bé hơn rất nhiều. Kích thước này nhằm đáp ứng khả năng đưa được vào khoang miệng và thực hiện được vai trò của mình trong quá trình niềng răng.
2. Khi nào dùng lò xo niềng răng?
Như đã biết, lò xo niềng răng là khí cụ hay được áp dụng trong hình thức niềng răng mắc cài. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, đối tượng nào cũng sử dụng loại dụng cụ này.

Lò xo thường dùng cho các đối tượng có răng mọc lệch, răng thưa. Chúng gắn ở giữa các khâu nối các răng hàm kết nối với dây cung phí sau răng nanh để kéo, đẩy hoặc duy trì hàm răng. Gắn lò xo giúp rút ngắn thời gian niềng răng, nhanh chóng đưa răng về vị trí cần thiết.
Mỗi người có cấu trúc hàm răng, tình trạng răng mọc khác nhau. Có một số răng, trong quá trình thẩm mỹ cần kéo về, cũng có một số cần đẩy ra… Theo đó, tuỳ vào mục đích điều trị khác nhau mà các loại lò xo niềng răng hay các khí cụ khác được lựa chọn là khác nhau.
3. Các loại lò xo niềng răng
Hiện nay, có 3 loại lò xo niềng răng khác nhau là: lò xo kéo, lò xo đẩy và lò xo duy trì. Các loại lò xo này thực hiện chức năng riêng của mình, cụ thể là:
3.1. Lò xo đẩy

Lò xo đẩy có khả năng tăng khoảng cách, tạo khoảng trống giữa các răng. Mục đích khi áp dụng khí cụ này là giảm tình trạng răng chen chúc, đưa các răng bị chệch khỏi cung hàm về vị trí vốn có của nó.
Kỹ thuật thực hiện như sau: Lò xo đẩy hoạt động dựa trên tính đàn hồi của lò xo. Bác sĩ xác định vị trí cần tạo khoảng trống sau đó nén lò xo lại, cố định hai đầu của lò xo vào hai vị trí xác định.
Khi bị nén lại, lò xo có xu hướng tạo lực đẩy hướng về phía hai đầu lò xo. Theo đó, khe hở giữa các răng được mở rộng, đáp ứng được mục đích thực hiện.
3.2. Lò xo kéo

Ngược lại với lò xo đẩy, lò xo kéo có khả năng thu nhỏ khoảng cách giữa các răng. Dụng cụ này áp dụng trong trường hợp răng thưa, khe hở giữa các răng lớn.
Gắn lò xo kéo bằng cách: Ban đầu, xác định vị trí cần thức hiện làm nhỏ khoảng cách, kéo dãn lò xo sau đó cố định hai đầu vào hai vị trí nhất định. Tính đàn hồi của lò xo làm phát sinh hai lực kéo hai đầu hướng về lòng lò xo, nhờ đó thu hẹp khe hở giữa các răng.
3.3. Lò xo duy trì

Lò xo duy trì có khả năng giãn, đẩy tương tự hai loại lò xo nói trên và được áp dụng trong trường hợp cần duy trì tình trạng các răng hiện tại. Khí cụ này thường sử dụng sau khi sử dụng hai loại lò xo trên để đảm bảo vị trí các răng được đều, đẹp, ổn định.
Các bác sĩ sẽ xác định vị trí cần thực hiện duy trì, lựa chọn lò xo có độ dài thích hợp. Theo đó, khoảng cách được đảm bảo giữ vững, không mở rộng cũng không thu hẹp. Lò xo duy trì cũng được áp dụng trong trường hợp người sử dụng nhổ răng và muốn trồng răng implant.
4. Đeo lò xo niềng răng có đau không?
Do hoạt động dựa trên nguyên tắc về tính đàn hồi, lò xo sẽ tạo ra các lực làm tác động lên răng để thực hiện mục đích chỉnh nha. Theo đó, giống như nhiều khí cụ niềng răng khác, răng sẽ phải chịu một lực nhất định. Vì vậy, trong thời gian đầu của sử dụng lò xo niềng răng, bạn có thể cảm thấy không quen, khó chịu hoặc thậm chí là đau đớn.

Tuy nhiên, cảm giác này diễn ra không quá lâu, kéo dài khoảng 5 – 7 ngày sau khi gắn lò xo. Khoảng thời gian này, người sử dụng có thể gặp khó khăn trong vệ sinh răng miệng, ăn uống, nói chuyện… song sau đó những khó khăn sẽ không còn. Bạn hoàn toàn có thể ăn uống, nói chuyện… bình thường và cần có những lưu ý nhất định để đảm bảo vệ sinh răng miệng.
5. Lò xo niềng răng đeo trong bao lâu?
Lò xo niềng răng sẽ được tháo ra khi mục đích sử dụng của nó đạt được. Giống như các khí cụ niềng răng khác, không có quy định cụ thể về thời gian cần đeo lò xo.

Thời gian chỉ định tháo lò xo niềng răng sẽ được áp dụng khác nhau trên từng đối tượng cụ thể. Con số này tuỳ thuộc vào hiện trạng, cấu trúc răng của người bệnh và khả năng phân tích, tính toán của bác sĩ nha khoa.
☛ Tham khảo thêm: Niềng răng mất bao lâu?
6. Lưu ý khi sử dụng lò xo niềng răng
Do tham gia vào quá trình nắn chỉnh lại cung hàm của người sử dụng, lò xo cần đảm bảo các yêu cầu khắt khe về chất lượng của nó. Bên cạnh đó, để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi và hiệu quả, người sử dụng cũng cần có những lưu ý sau đây:
6.1. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Khi gắn lò xo niềng răng, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề làm sạch răng miệng. Tuy nhiên, nếu bỏ qua vấn đề này sẽ tăng nguy cơ sâu răng, ảnh hưởng tới các khí cụ niềng răng, làm giảm hoặc mất hiệu quả niềng răng. Do vậy, bạn cần:
- Đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày.
- Sử dụng bàn chải có lông mềm hoặc sản phẩm chuyên biệt cho người niềng răng.
- Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng.
- Súc miệng bằng nước súc miệng thường xuyên để tránh tích tụ vi khuẩn.
☛ Tham khảo đầy đủ tại:Cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng
6.2. Kiểm tra khí cụ thường xuyên
Quá trình ăn uống, vệ sinh, nói chuyện… có thể làm sai lệch, lỏng lẻo các khí cụ niềng răng. Khi đó, niềng răng không mang lại hiệu quả, thậm chí có thể gây tổn thương khoang miệng người sử dụng.
Do đó, điều nên làm là thường xuyên kiểm tra các dụng cụ này qua gương. Khi phát hiện có bất kỳ hiện tượng gì, cần liên hệ cho bác sĩ ngay để kịp thời xử lý.
6.3. Chế độ ăn uống hợp lý

Trong niềng răng, bạn cũng cần phải chú ý tới chế độ ăn của bản thân. Dưới đây là một số lưu ý:
- Tránh ăn uống nhiều đồ ngọt vì dễ làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Nên ăn các đồ ăn mềm, hạn chế ăn đồ khô cứng, dai… vì dễ ảnh hưởng tới dụng cụ niềng răng.
- Làm sạch răng miệng sau khi ăn xong.
☛ Xem thêm: Chế độ ăn uống khoa học khi chỉnh nha
6.4. Các lưu ý khác

- Không tự tháo, lắp lò xo khi chưa có chỉ định của chuyên gia.
- Hạn chế mở miếng to, không cắn vào các khí cụ khi chúng mắc vào răng để tránh làm hỏng, biến dạng khí cụ.
- Nếu các biểu hiện sưng đau kéo dài liên tục hoặc có tổn thương khoang miệng, cần đi khám bác sĩ ngay.
- Đi khám tại cơ sở ban đầu thực hiện niềng răng theo lịch trình định kỳ được báo trước
Bài viết trên đây cung cấp thông tin tới bạn đọc về lò xo niềng răng và vai trò của nó. Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn khách quan nhất và có lựa chọn phù hợp cho hàm răng của mình.
Tham khảo:
- https://yourazbraces.com/the-patients-guide-to-forsus-springs/
- https://orthodonticbracescare.com/how-long-do-coil-springs-last-on-braces/