Răng sữa lung lay có nên nhổ? Bao lâu thì nhổ và lưu ý gì
Việc quyết định có nên nhổ răng sữa lung lay hay không và răng sữa lung lay bao lâu thì nhổ là vấn đề nhiều cha mẹ thắc mắc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về việc răng sữa lung lay có nên nhổ không, nhổ khi nào và cần lưu ý những điều gì.
1. Răng sữa mới lung lay có nên nhổ không?
Răng sữa có vai trò quan trọng không kém so với răng vĩnh viễn nên cha mẹ không nên tự ý nhổ răng sữa khi nó mới lung lay. Bởi răng sữa giúp trẻ có thể ăn uống, hấp thu dinh dưỡng một cách dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp trẻ phát âm chuẩn xác hơn, hỗ trợ cho quá trình học nói của trẻ. Ngoài ra, nếu răng mới hơi lung lay mà cha mẹ đã tự ý nhổ đi thì nó có thể gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chấn thương và khiến trẻ mắc các biến chứng về răng miệng.
Những mối nguy hiểm tiềm ẩn nếu nhổ răng sữa khi mới lung lay như sau:
- Nhổ răng sữa quá sớm sẽ để lại khoảng trống răng vì răng vĩnh viễn chưa kịp mọc. Khi đó vùng trống khiến xương hàm không được kích thích và phát triển đầy đủ. Ngoài ra răng vĩnh viễn sẽ mất định hướng và có khả năng mọc lệch, mọc không đúng vị trí.
- Nhổ răng sữa khi nó mới chỉ hơi lung lay thì sẽ khiến trẻ bị đau và chảy nhiều máu. Điều này gây ám ảnh cho trẻ, khiến trẻ sẽ cảm thấy lo sợ mỗi khi nhổ răng.
- Nhổ răng sữa khi mới lung lay còn có thể gây tổn thương đến mô nướu, gây ra các vấn đề về răng miệng sau này và phải tốn nhiều chi phí để khắc phục.
- Nhiễm trùng: Tiềm ẩn những nguy cơ bị nhiễm trùng do việc nhổ răng sữa sớm sẽ phải tác động lực mạnh đến vùng nhổ, gây tổn thương và dễ khiến vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng nếu không chăm sóc hợp lý.
- Ảnh hưởng đến việc phát âm: Việc thiếu răng, đặc biệt là răng cửa sẽ có thể ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ.
Vì vậy, đối với các răng sữa mới lung lay, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để được tư vấn và kiểm tra xem là có nên nhổ luôn hay không. Trong trường hợp răng sữa mới lung lay nhưng đi kèm với các bệnh lý như sâu răng, viêm tủy hay mầm răng vĩnh viễn đã mọc thì cần phải được loại bỏ càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn.

2. Răng sữa lung lay bao lâu thì mới nên nhổ
“Răng sữa lung lay bao lâu thì mới nên nhổ?” Đây là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Theo các chuyên gia, tùy vào từng vị trí và mức độ lung lay của răng mà thời gian nhổ răng sẽ khác nhau
Đối với răng cửa, sau khi răng sữa lung lay được khoảng vài ngày là cha mẹ đã có thể nhổ bỏ nó. Còn đối với răng hàm thì cha mẹ sẽ phải mất khoảng 1 tuần thì mới có thể được nhổ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp răng sữa tuy chưa lung lay nhiều nhưng vẫn phải nhổ bỏ sớm. Đó là khi răng vĩnh viễn đã có dấu hiệu mọc lên mà răng sữa vẫn chưa lung lay, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn, khiến răng mọc sai vị trí, mọc lệch hay chen lấn. Vì vậy, trong trường hợp này thường sẽ được bác sĩ chỉ định là nhổ bỏ răng sữa càng sớm càng tốt để bảo vệ răng vĩnh viễn.
Trường hợp răng sữa lung lay khiến cho nướu có dấu hiệu sưng và đau, tấy đỏ thì cũng nên được loại bỏ sớm để tránh gây viêm nhiễm lây lan sang những vùng khác trong khoang miệng.

3. Thời gian để răng sữa tự rụng. Chờ đến khi răng sữa tự rụng có sao không
Không có mốc thời gian cụ thể nào để biết được khi nào răng sữa sẽ tự rụng. Tùy vào từng tình trạng răng của mỗi bé mà sẽ có thời gian thay răng khác nhau. Thông thường, răng sữa sẽ bắt đầu lung lay từ khi trẻ khoảng 6 – 7 tuổi và rụng đi khi răng vĩnh viễn có dấu hiệu phát triển và đẩy lên.
Chờ đến khi răng sữa tự rụng là một phần tự nhiên của quá trình thay răng và thường không gây ra vấn đề. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chờ quá lâu có thể gây ra các vấn đề như răng sữa không kịp rụng khiến cho răng vĩnh viễn mọc không đúng vị trí, mọc lệch hoặc chen lấn sang các răng khác.
Nếu cha mẹ lo lắng về thời gian rụng răng sữa của con mình thì nên đưa con đến các cơ sở nha khoa uy tín để thăm khám và được tư vấn cụ thể. Các bác sĩ sẽ theo dõi quá trình thay răng của trẻ và đưa ra quyết định có nên nhổ răng sữa không để bảo vệ sức khỏe răng miệng của con.

4. Hướng dẫn cách nhổ răng sữa lung lay cho trẻ
Nhổ răng sữa cho trẻ có thể được thực hiện ngay tại nhà theo những cách sau đây nếu tình trạng răng sữa lung lay không đi kèm với những dấu hiệu viêm nhiễm hay đau nhức:
- Hướng dẫn trẻ dùng lưỡi để đẩy răng sữa bị lung lay
Cha mẹ hãy hướng dẫn con mình dùng đầu lưỡi để lung lay chiếc răng sữa sắp rụng suốt cả ngày. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh cho trẻ rằng không nên lung lay quá mạnh vì điều này có thể làm con bị đau. Bố mẹ cần dặn con thật kỹ rằng chỉ nên sử dụng lưỡi và tuyệt đối không được sử dụng tay để nhổ răng.
Do trẻ nhỏ thường chưa ý thức được rằng phải vệ sinh tay thật sạch sẽ. Nếu bố mẹ không chú ý, trẻ có thể đưa tay bẩn lên miệng, gây nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm trùng.

- Dùng bông gạc để nhổ răng sữa
Đây cũng là một phương pháp nhổ răng sữa tại nhà mà không gây đau đớn cho trẻ. Bố mẹ nên đảm bảo rằng tay của mình đã được vệ sinh sạch sẽ. Sau đó, hãy quấn một miếng bông gạc lớn vào đầu ngón tay và tác động một lực vừa đủ lên răng cần nhổ. Dùng tay nhẹ nhàng lung lau chiếc răng hàng ngày cho đến khi chỉ cần dùng một lực nhẹ là răng có thể tự rụng.

- Cho trẻ ăn những đồ ăn cứng
Những loại rau củ như cà rốt, táo, lê hay các loại hoa quả khác mà có độ giòn, cứng, khiến cho chiếc răng sữa có thể bị lung lay hơn và dễ rụng hơn khi trẻ cắn vào. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giòn, không nên để trẻ cắn những đồ ăn quá cứng vì có thể gây tổn thương đến các răng khác.

- Dùng chỉ để nhổ răng sữa lung lay
Khi bố mẹ nhận thấy rằng răng sữa của con đã bị lung lay đến một mức độ nhất định, họ có thể sử dụng chỉ để nhổ răng cho trẻ một cách dễ dàng. Để làm điều này, trước tiên bố mẹ nên chuẩn bị một sợi chỉ đủ dài và quấn nó quanh thân răng, sau đó buộc chặt. Giật mạnh chỉ bằng một lực vừa đủ để loại bỏ được răng sữa ra khỏi hàm. Trong lúc nhổ răng sữa cho trẻ, bố mẹ nên tạo sự chú ý của trẻ sang vấn đề khác để quá trình diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn.
Quá trình nhổ răng bằng chỉ nên được thực hiện nhanh chóng và dứt khoát để tránh làm trẻ đau. Nếu một lần nhổ không thành công, bố mẹ không nên thử nhiều lần liên tiếp vì điều này có thể gây đau đớn cho trẻ, chảy máu và gây tổn thương nhiễm trùng.
Nếu việc nhổ răng sữa thành công, hãy cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm và đặt một miếng bông gòn vào vị trí răng vừa nhổ. Dặn bé cắn chặt miếng bông gòn và giữ trong khoảng 10 – 15 phút để cho máu ngừng chảy.

5. Các lưu ý khi nhổ răng cho trẻ mà ba mẹ cần nắm được
Khi nhổ răng sữa cho trẻ, cha mẹ cần nắm được những lưu ý sau đây:
- Trong thời gian răng sữa bị lung lay, bố mẹ cần hỗ trợ trẻ trong việc vệ sinh răng miệng, không nên để trẻ tự vệ sinh vì răng lung lay thường gây đau đớn và làm cho việc vệ sinh không hiệu quả.
- Bố mẹ cần theo dõi tình trạng răng của trẻ một cách cẩn thận. Nếu phát hiện dấu hiệu răng vĩnh viễn mọc lệch hoặc mọc sai vị trí, hãy đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để thăm khám và có phương án điều trị phù hợp.
- Quan trọng nhất là khi răng sữa mới bị lung, cha mẹ không nên tự ý nhổ răng cho trẻ vì không đảm bảo an toàn và gây đau đớn cho trẻ.

6. Khi nào thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ
Nếu thấy trẻ gặp phải bất kỳ trường hợp nào trong số các trường hợp sau đây, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được can thiệp khắc phục kịp thời:
- Răng sữa chưa lung lay hoặc rụng đi răng mới đã mọc
Trường hợp răng sữa chưa lung lay mà răng mới đã mọc thì sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ về răng miệng cho trẻ. Bởi khi răng sữa chưa mất đi mà răng vĩnh viễn đã mọc lên sẽ khiến không đủ chỗ cho răng viễn viễn, dẫn đến tình trạng răng vĩnh viễn mọc lệch, mọc sai vị trí, mọc chen lấn sang các vị trí răng khác. Lâu dần, hàm răng của trẻ sẽ không được đều và đẹp, bố mẹ sẽ mất thêm nhiều chi phí để khắc phục tình trạng này. Vì vậy, nếu răng sữa chưa lung lay mà răng vĩnh viễn đã mọc lên thì bố mẹ không nên tự ý nhổ răng sữa tại nhà mà cần đưa trẻ đến nha khoa uy tín để có phương án giải quyết phù hợp.
- Răng sữa lung lay do chấn thương
Nếu răng sữa bị lung lay do chấn thương hoặc tai nạn thì cha mẹ cần phải đưa con đến gặp bác sĩ nha khoa khẩn cấp để chụp X – quang xem có bị tổn thương chân răng không. Nếu có thì sẽ được các bác sĩ điều trị kịp thời để không gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ.
- Răng sữa bị viêm nhiễm, đau
Nếu răng sữa bị viêm nhiễm, đau, sưng viêm, kể cả chưa lung lay thì bố mẹ cũng cần phải đưa con đến gặp bác sĩ sớm để loại bỏ chúng. Vì nếu để lâu tình trạng viêm nhiễm sẽ lây lan sang các răng khác, gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng của trẻ và làm ảnh hưởng đến quá trình thay răng vĩnh viễn.
- Nhổ răng tại nhà bị viêm nhiễm, nhiễm trùng…
Nhiều trường hợp cha mẹ tự nhổ răng sữa cho trẻ tại nhà gây ra tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng nướu. Lúc này bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt để điều trị dứt điểm tình trạng này, tránh tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng, lây lan ra toàn khoang miệng, cản trở quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ.

Bài viết trên đây đã giải đáp cho các bạn về vấn đề răng sữa lung lay có nên nhổ không? Bao lâu thì nhổ và cần lưu ý những gì?. Mong rằng với những chia sẻ của Nha khoa Quốc tế Phú Hòa đã cung cấp được cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi thay răng có thêm được nhiều kiến thức bổ ích để chăm sóc con được tốt nhất. Từ đó, tránh được những vấn đề liên quan đến răng miệng hoặc các vấn đề gây ảnh hưởng đến sự phát triển răng vĩnh viễn của bé sau này.