Trẻ nhổ răng sữa lâu mọc lại có sao không? Cách xử lý
Trẻ nhổ răng sữa lâu mọc lại là một vấn đề mà hầu hết các bậc cha mẹ ai cũng đều quan tâm và lo lắng. Vậy hãy cùng tìm hiểu trẻ nhổ răng sữa bao lâu thì mọc lại? Trẻ lâu mọc răng là do nguyên nhân nào? Có tác hại gì không theo ý kiến của chuyên gia.
Mục lục
1. Thời gian thông thường để răng mọc lại sau khi nhổ răng sữa
Thời gian mọc răng vĩnh viễn ở trẻ dao động khoảng từ 1 – 2 tháng sau khi nhổ răng sữa, thường bé gái sẽ mọc răng nhanh hơn là bé trai. Trình tự thay răng sữa ở trẻ sẽ diễn ra theo từng độ tuổi như sau:
- Trẻ từ 6 – 8 tuổi: Là thời điểm chiếc răng đầu tiên được thay thế bằng răng vĩnh viễn, đó là răng cửa sữa. Răng cửa vĩnh viễn sẽ mọc trong khoảng từ 2 – 4 tuần sau đó.
- Trẻ từ 10 – 12 tuổi: Răng nanh sữa được thay thế bằng răng nanh vĩnh viễn và được mọc lên sau khoảng 2 – 4 tuần.
- Trẻ từ 9 – 11 tuổi: Răng hàm nhỏ được thay thế bằng răng hàm vĩnh viễn và được mọc lên sau khoảng 1 – 2 tháng.
- Trẻ từ 10 – 12 tuổi: Răng hàm lớn được thay thế cuối cùng và thời gian mọc lên là từ 1 – 2 tháng sau đó.
Ngoài ra, thời gian mọc răng sau khi nhổ răng sữa còn phụ thuộc vào số lượng chân răng. Răng cửa và răng nanh chỉ có 1 chân răng nên thời gian răng mọc lại nhanh, chỉ mất từ 2 – 4 tuần. Trong khí đó, răng hàm có nhiều chân nên cần nhiều thời gian hơn để mọc lại, sẽ mất từ 1 – 2 tháng.
Tuy nhiên, nếu sau 4 – 5 tháng mà chưa thấy răng mọc lại thì đây là dấu hiệu bất thường. Lúc này bố mẹ nên đưa trẻ đi khám, kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và kịp thời khắc phục.

2. 5 nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ nhổ răng sữa lâu mọc lại
Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến thời gian mọc lại răng vĩnh viễn. Trong đó, có 5 nguyên nhân chính khiến cho trẻ nhổ răng sữa lâu mọc lại như sau:
- Răng mọc ngầm, mọc lệch: Răng vĩnh viễn mọc lên không đúng với khoảng trống trên cung hàm mà mọc đâm vào răng bên cạnh nên thời gian mọc lên lâu hơn
- Xơ hóa nướu: Nướu bị xơ hóa trở nên dày hơn khiến cho răng khó mà trồi lên được
- Thiếu dinh dưỡng, canxi: Nếu trẻ thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, đặc biệt là không đủ lượng canxi có trong cơ thể để hỗ trợ răng mọc lại.
- Không có mầm răng thay thế: Trường hợp này có thể là do bẩm sinh hoặc mầm răng đã bị tổn thương khi trẻ vô tình bị va đập mạnh vào đâu đó.
- Có các thói quen xấu như đẩy lưỡi, mút tay, nghiến răng: Những thói quen này cũng gây ảnh hưởng đến thời gian mọc răng mới ở trẻ

3. Trẻ nhổ răng sữa lâu mọc lại có sao không?
Trường hợp trẻ nhổ răng sữa lâu mọc lại mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ ngay lập tức nhưng nó lại tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương đến răng miệng theo thời gian. Nếu vượt quá thời điểm thay răng bình thường có thể gây ra một số biến chứng sau đây:
- Răng mọc chậm do mọc ngầm, mọc lệch thì sẽ gây hại đến các răng lân cận và nướu. Những vấn đề này có thể gây ra những bệnh lý về răng miệng như sưng mủ, sưng má hoặc các tình trạng như áp xe răng và viêm nha chu
- Nếu răng bị mất quá lâu mà không được thay thế thì có thể gây suy giảm lực tác động lên xương hàm ở vị trí răng bị mất. Kết quả, xương hàm có thể dần dần mất đi và cung hàm sẽ co lại. Khi răng cuối cùng mọc lên, chúng có thể bị hô, móm, thậm chí là gây viêm nhiễm xương hàm
- Răng trẻ mọc chậm cũng có thể tạo ra khoảng trống trong một khoảng thời gian dài, làm cho các răng lân cận có khả năng mọc lên sai vị trí. Ngoài ra, các răng khác trên cung hàm sẽ dần dần di chuyển vào khoảng trống này, làm cho răng trở nên lệch lạc và không đều đặn
- Tình trạng tiêu xương hàm nghiêm trọng và răng lộn xộn cũng có thể tác động đến hình dáng khuôn mặt của trẻ.

4. Làm thế nào khi trẻ nhổ răng lâu mọc lại? Có cần đi khám không
Nếu trẻ đã nhổ răng sữa được một thời gian dài mà vẫn mọc chậm thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở nha khoa để được khám và xác định nguyên nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn các phương pháp thúc đẩy quá trình mọc răng, bao gồm:
- Trường hợp nướu dày: Bác sĩ có thể thực hiện một thủ thuật nhỏ để cắt bỏ phần nướu dày, làm cho chân răng dễ dàng lòi ra hơn. Thủ thuật này đơn giản, không gây đau và thường chỉ cần khoảng 4 tuần để răng trẻ bắt đầu mọc lại
- Trường hợp răng mọc ngầm hoặc mọc lệch: Trong trường hợp này, bác sĩ có thể tiến hành tiểu phẫu để lộ răng và sau đó sử dụng niềng răng để đưa chúng về vị trí trên cung hàm
- Trường hợp thiếu mầm răng hoặc răng cứng khớp: Bác sĩ có thể đề xuất việc trồng răng giả để khôi phục chức năng ăn nhai cho trẻ
- Thiếu dinh dưỡng: Cha mẹ cần đảm bảo rằng trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, để giúp mầm răng phát triển mạnh mẽ và dễ mọc hơn. Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng các loại thuốc bổ sung chất dinh dưỡng dưới dạng uống nếu cần thiết.

Như vậy bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin về nguyên nhân, nguy cơ tiềm ẩn và cách xử lý khi trẻ nhổ răng sữa lâu mọc lại. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến thời điểm khi trẻ bắt đầu thay răng để giúp phát hiện và xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng của trẻ một cách kịp thời.