Sau khi được tháo mắc cài, bạn rất háo hức để khoe nụ cười mới với mọi người. Tuy nhiên, bạn có thể bị thất vọng một chút vì việc chỉnh nha chưa hề kết thúc. Bạn phải thực hiện công đoạn cuối cùng là đeo hàm duy trì. Vậy hàm duy trì là gì? Tại sao lại phải đeo sau niềng răng? Cần phải đeo trong bao lâu? Chúng ta hãy cùng nhau giải đáp tất cả những thắc mắc về hàm duy trì thông qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Hàm duy trì là gì? Tại sao lại phải đeo hàm duy trì?
Sau khi chỉnh nha răng đã ở vị trí mong muốn, bạn có thể tháo mắc cài hay các khay trong suốt trước đó. Tuy nhiên, tái phát sau khi niềng răng chiếm một tỷ lệ rất cao và khó tiên lượng được. Vì vậy, việc duy trì kết quả sau niềng răng sao cho bền vững nhất là điều rất quan trọng.
Hàm duy trì là khí cụ chỉnh nha sau khi niềng răng giúp cố định vị trí của răng. Có nhiều loại hàm duy trì khác nhau, được làm bằng nhựa hay kim loại và vừa khít với răng đã chỉnh. Việc đeo hàm duy trì có nhiều lợi ích hơn so với giữ nguyên mắc cài như yếu tố thẩm mỹ, tiện lợi… Ngoài ra, bạn cần đeo hàm duy trì với nhiều mục đích khác dưới đây:
– Ổn định sự chỉnh nha: Hàm răng của bạn đang lệch lạc như thưa răng, hô, móm… nhưng đã ăn nhai quen ở vị trí này suốt nhiều năm. Sau khi sắp lại các răng cho đều thì khớp cắn của hai hàm bị thay đổi nên răng có xu hướng di chuyển về vị trí cũ trong những tháng sau khi tháo mắc cài. Lúc này nếu không đeo hàm duy trì răng bị dịch chuyển thì việc chỉnh nha coi như không có hiệu quả.
– Điều chỉnh xương hàm và nướu: Sau khi tháo niềng răng, mô mềm và xương xung quanh răng cần thời gian để thích nghi với những thay đổi vị trí của răng. Cần một khoảng thời gian nhất định để các tế bào liên kết và ổn định được.
– Duy trì khoảng trống cho răng phát triển: Niềng răng được đeo phổ biến ở trẻ em trong giai đoạn phát triển nên việc đeo hàm duy trì giúp giữ được khoảng trống cho những chiếc răng lớn lên hoặc mọc răng mới như răng khôn.
– Giữ răng ở vị trí muốn sau khi nhổ răng: Việc niềng răng đòi hỏi nhiều người phải nhổ răng từ 1 – 4 chiếc. Điều này tạo khoảng trống rộng, nên cần nhiều thời gian dài để ổn định.
2. Phân loại hàm duy trì?
Tùy thuộc vào tình trạng sau niềng răng, thẩm mỹ, kinh tế… mà bác sĩ nha khoa sẽ khuyên bạn dùng kiểu hàm duy trì nào. Mỗi loại sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng.
2.1. Hàm duy trì tháo lắp bằng nhựa trong suốt
Hàm duy trì tháo lắp bằng nhựa trong suốt
Hàm duy trì tháo lắp bằng nhựa trong suốt là hàm được thiết kế bằng nhựa mỏng, bao quanh răng để ngăn ngừa sự di chuyển của răng sau khi chỉnh nha.
Đây là hàm duy trì được ưa thích nhất vì nếu không nhìn kỹ mọi người sẽ không nhận ra được bạn đang sử dụng. Chúng cũng ít cồng kềnh và không gây khó khăn trong giao tiếp.
Tuy nhiên, nó cũng có một số mặt hạn chế như:
- Không thể chạm răng trên và răng dưới một cách tự nhiên.
- Khả năng mài mòn của nhựa nhanh hơn và có nguy cơ bị nứt.
- Với những trường hợp phải nhổ răng thì hàm duy trì loại này không giữ được vị trí răng sau khi chỉnh nha tốt nhất, nó vẫn có xu hướng di chuyển.
2.2. Hàm duy trì tháo lắp bằng kim loại
Hàm duy trì tháo lắp bằng kim loại
Hàm duy trì tháo lắp bằng kim loại hay còn được gọi là hàm duy trì hawley. Chúng thường được làm từ kim loại và nhựa hoặc acrylic uốn cong. Dây kim loại cố định đi qua mặt trước của răng, còn nhựa hoặc acrylic để tùy chỉnh cho vừa khít với miệng sau khi chỉnh nha. Chúng gồm cả hàm trên và dưới.
Đây là loại hàm được sử dụng phổ biến nhất bởi nhiều ưu điểm dưới đây:
- Kết cấu của hàm duy trì hawley cho phép bạn tiếp xúc các răng trên và răng dưới một cách tự nhiên tạo cảm giác thoải mái.
- Được thiết kế linh hoạt, có nhiều kiểu dáng và màu sắc đa dạng.
- Dễ dàng điều chỉnh theo yêu cầu sau khi niềng răng để đạt hiệu quả tốt.
- Hàm duy trì hawley tương đối dễ vệ sinh sạch sẽ.
- Tháo ra lắp vào nhanh chóng, bạn có thể bỏ ra bất cứ lúc nào nếu có công việc liên quan đến yếu tố thẩm mỹ.
Tuy nhiên, hàm duy trì tháo lắp bằng kim loại cũng có một số bất lợi sau:
- Người khác có thể dễ nhận thấy hàm duy trì, nhưng việc này thường không gây ảnh hưởng vì bạn đã quen với việc đeo mắc cài ở răng trước đó.
- Mỗi lần ăn uống cần phải tháo ra.
- Giai đoạn đầu bạn có thể bị khó khăn trong giao tiếp và cần thời gian để quen với việc đeo hàm duy trì.
2.3. Hàm duy trì cố định mặt trong
Hàm duy trì cố định mặt trong bằng kim loại
Hàm duy trì cố định mặt trong là một dây bằng kim loại được giữ ở mặt trong của cả hàm răng trên và dưới. Nó thích hợp với những hàm răng mọc lệch, chen chúc và có nhiều khoảng trống phải điều chỉnh nha.
Điểm tốt nhất của hàm duy trì này là giữ cố định, không cần phải tháo lắp liên tục. Tuy nhiên nó lại khó làm sạch, dễ tích tụ các mảng bám theo thời gian dẫn đến các vấn đề về răng miệng như viêm lợi, viêm nha chu…
Thông thường, giá hàm duy trì đi kèm với toàn bộ chi phí chỉnh nha. Nếu trong hợp đồng là dùng hàm hawley nhưng bạn lại muốn đổi sang loại nhựa trong suốt thì có thể mất thêm phí.
3. Cần phải đeo hàm duy trì trong bao lâu?
Thời gian đeo hàm duy trì trong bao lâu để ổn định răng?
Sau khi niềng răng, xương của bạn chưa ổn định, chân răng chưa chắc chắn trong xương nên cần thời gian để phục hồi.
Thông thường phải mất khoảng 3 – 6 tháng để xương xung quanh chân răng có thể tự tái cấu trúc lại cho răng chắc chắn hơn. Quá trình này ở trẻ em có thể nhanh hơn người trung niên hay người già. Vì vậy, ở người trưởng thành để đạt kết quả tốt nên đeo hàm duy trì càng lâu càng tốt, còn ở trẻ em thì thời gian rút ngắn nhất cũng cần duy trì tối thiểu 3 tháng.
Nhiều trường hợp không tìm hiểu kỹ thấy rằng khi nhổ răng phải đeo hàm duy trì vĩnh viễn khiến họ cảm thấy lo lắng, hơi băn khoăn trong việc niềng răng. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn cần thiết, việc đeo hàm trong bao lâu sẽ được thống nhất giữa bệnh nhân và bác sĩ nha khoa để chắc chắn rằng răng sẽ không dịch chuyển sau khi chỉnh nha.
4. Những lưu ý để đeo hàm duy trì đúng cách
Răng có xu hướng dịch chuyển tìm vị trí ổn định nhất do đó nếu không đeo hàm duy trì đúng cách răng có thể quay lại vị trí cũ. Lúc này, nếu răng bị sai lệch nhiều, bạn bắt buộc phải đeo lại mắc cài trong thời gian ngắn. Vì vậy, việc đeo hàm duy trì đúng cách là vô cùng quan trọng để giảm thời gian sử dụng.
4.1. Đeo hàm duy trì đủ thời gian mỗi ngày
Bạn cần phải đeo hàm đủ thời gian mỗi ngày để việc chỉnh nha đem lại hiệu quả
Ở nhiều người, việc tháo lắp hàm duy trì có thể không được thoải mái tại nơi làm việc nên chỉ muốn đeo vào ban đêm. Hay đơn giản hơn là lười tháo lắp, cảm thấy khó chịu, tiết nhiều nước bọt khi đeo nên không muốn đeo thường xuyên. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc chỉnh nha.
Việc đeo hàm duy trì đủ thời gian là điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong giai đoạn ngay sau khi tháo niềng răng cần đeo toàn thời gian tức khoảng 22 tiếng/ngày, chỉ bỏ ra trong lúc ăn. Sau đó khoảng 1 – 2 tháng, bạn có thể chỉ đeo 10 – 12 tiếng/ngày, tức là trong khi đi ngủ.
Những trường hợp cần tuyệt đối tuân thủ đeo hàm duy trì toàn thời gian gồm:
- Đóng khe thưa.
- Xoay răng nặng.
- Người có vấn đề về khớp cắn.
- Mở khoảng trước khi làm răng.
- Bị hở môi vòm miệng mà hậu phẫu để lại sẹo lớn.
- Kéo răng ngầm nặng.
- Cải thiện về mặt thẩm mỹ tuy nhiên trường hợp này lại không đưa được hoàn toàn về vị trí khớp cắn lý tưởng.
4.2. Vệ sinh răng miệng cẩn thận
Việc vệ sinh răng miệng cũng cô cùng cần thiết bởi nếu răng không được vệ sinh cẩn thận, các mảng bám vẫn còn trong khi đó hàm duy trì vẫn được đeo sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng như viêm lợi, sâu răng…
Bạn nên vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2 lần sáng và tối, dùng chỉ nha khoa. Nếu có thể nên súc miệng bằng nước muối hay các loại nước súc miệng chuyên dụng.
4.3. Vệ sinh hàm duy trì
Vệ sinh và bảo quản hàm duy trì cẩn thận
Hàm duy trì được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như thép, nhựa… nên việc bảo tồn cho sạch sẽ là điều vô cùng quan trọng. Những lưu ý trong việc vệ sinh hàm duy trì gồm:
– Trong khi đeo trong khoang miệng, hàm tiếp xúc với nước bọt, vi khuẩn… hay bụi bẩn khi bảo quản nên cần vệ sinh hàm sạch sẽ. Bạn chải nhẹ nhàng bằng kem đánh răng và sau đó rửa lại bằng nước sạch. Còn đối với hàm duy trì cố định, bạn nên thường xuyên đến nha khoa để được các bác sĩ hỗ trợ vệ sinh, loại bỏ các mảng bám xung quanh vị trí đeo hàm duy trì mặt trong.
– Trong trường hợp đeo hàm duy trì toàn thời gian, trước khi ăn cần tháo nắp, để ở vị trí sạch sẽ, tránh vi khuẩn có thể xâm nhập và đeo lại ngay sau khi ăn. Với hàm duy trì chỉ đeo vào buổi tối, cần bảo quản trong hộp riêng mà bác sĩ đưa kèm cho bạn. Đặc biệt là giữ trong nhiệt độ bình thường do nhiệt độ cao có nguy cơ làm hàm bị biến dạng, dễ vỡ.
– Lưu ý để hàm duy trì tránh xa tầm tay của trẻ em hay thú cưng vì có thể bị cắn nát, hoặc làm mất khó tìm lại được.
4.4. Tránh những thói quen xấu khi đeo hàm duy trì
Khi răng chưa được ổn định, thời gian đeo hàm không đủ hoặc bất thường không ổn định có thể khiến bạn đau, chật, kích sau khi bỏ hàm duy trì. Điều này khiến bạn lười đeo hơn dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng hàm duy trì.
Việc đẩy lưỡi ép ra và môi ép vào sẽ làm răng di chuyển nhiều, ảnh hưởng tới hiệu quả chỉnh nha. Vì vậy, nên tập thói quen đặt lưỡi ở vị trí cách xa vùng trước răng cửa tránh lực tác động vào răng.
4.5. Tái khám thường xuyên theo đúng lịch hẹn của bác sĩ
Bạn nên tái khám định kỳ để điều chỉnh kịp thời khi hàm duy trì có dấu hiệu bất thường
Dù chỉnh nha hay không thì bạn cũng cần đến thăm khám nha sĩ 6 tháng một lần. Tuy nhiên thời gian này có thể rút ngắn lại trong khi bạn đeo hàm duy trì, tái khám 1 – 2 tháng/lần. Bên cạnh đó bạn cần liên lạc ngay với các bác sĩ khi gặp bất cứ vấn đề nào như đeo hàm bị đau, hàm quá chật hay trở lên lỏng lẻo hơn… Bác sĩ cần can thiệp kịp thời và có những điều chỉnh nếu cần thiết.
Mong rằng bài viết trên đây đã giải quyết được những câu hỏi của bạn về việc đeo hàm duy trì. Điều quan trọng để răng ở đúng vị trí mong muốn sau khi chỉnh nha đòi hỏi bạn phải hợp tác với bác sĩ nha khoa, tuân thủ đúng thời gian đeo hàm từ 3 – 6 tháng, vệ sinh răng miệng và hàm cẩn thận.
Tài liệu tham khảo
- https://www.thurmanortho.com/retainer-after-braces
- https://www.healthline.com/health/retainers-after-braces#precautions