Sưng mặt hay đau nhức là những dấu hiệu thường thấy sau khi nhổ răng, nhất là nhổ răng khôn. Tiểu phẫu nhổ răng khôn tác động đến xương hàm nên điều này là không tránh khỏi. Răng khôn có thời gian ủ mầm lâu, khi xuất hiện gây ra không ít đau nhức, khó chịu cho khổ chủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hằng ngày. Với vị trí đặc biệt trong cùng cung hàm cùng kết cấu ổn định, bám chắc, có liên hệ mật thiết với các tổ chức răng và mô mềm lân cận nên răng khôn – răng số 8 khó nhổ hơn những chiếc răng thông thường khác. Ở một số người là hiện tượng sưng mặt và đau nhức kéo dài. Vậy nhổ răng xong bị sưng mặt và đau nhức nhiều phải làm sao?
Sưng mặt và đau nhức nhiều có đáng ngại?
Do chịu tác động cơ học, mới bị tổn thương nên phần mô mềm quanh vết nhổ sưng tấy. Ở một số người thậm chí còn dẫn đến tình trạng sưng nề một bên mặt, đau nhức cường độ mạnh và kéo dài. Thông thường, tình trạng này chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Sau đó, lợi sẽ lành lại và bắt đầu khôi phục, quay về tình trạng ổn định như trước. Nếu kéo dài hơn, bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ vì rất có thể vùng bị tổn thương đã bị biến chứng, viêm nhiễm nặng. Có thể do bị nhiễm trùng trong lúc phẩu thuật – quá trình tiểu phẫu không đảm bảo vô trùng hoặc kĩ thuật thực hiện của bác sĩ chưa thật sự tốt. Tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bác sĩ đảm nhận thiếu kinh nghiệm thực tế và không vững chuyên môn.
Sau khi thuốc tê hết, bạn sẽ cảm thấy đau ở vết nhổ. Đau mức độ nào, kéo dài hay không phụ thuộc vào từng trường hợp, tùy cơ địa của mỗi người. Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau, kháng viêm. Bạn lưu ý uống thuốc theo đơn, không tự ý uống thuốc ngoài. Nếu nghi ngờ vết nhổ có biến chứng, hãy đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và điều trị sớm, tránh để tình trạng kéo dài. Sưng mặt và đau nhức nhiều sẽ trở nên đáng ngại nếu kéo dài và không có biện pháp để khắc phục tình trạng.
Làm gì khi bị sưng mặt và đau nhức sau khi nhổ răng?
Sưng đau là dấu hiệu thường thấy sau khi nhổ răng khôn. Nặng hơn có thể bị sưng phù một bên mặt, phía ngoài vị trí nhổ răng. Để làm giảm bớt các dấu hiệu kể trên, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Chườm đá lạnh: khi chườm đá, bạn sẽ có cảm giác tê do các dây thần kinh cảm giác ở hàm phản ứng. Điều này như một kháng trọng, làm bạn tạm quên đi cảm giác đau nhức hiện thời. Chườm đá không chỉ giúp giảm đau mà còn khắc phục tình trạng sưng tấy hiệu quả. Bạn có thể áp dụng cách này lặp lại nhiều lần mỗi khi cơn đau kéo đến.
- Ngậm nước muối hoặc nước lá lốt. Cả nước muối và nước lá lốt đều có tính kháng khuẩn cao, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, tiêu sưng. Nước muối pha loãng, súc miệng thường xuyến sau mỗi bữa ăn và ngậm nước muối khi thấy đau nhức. Với nước lá lốt, nghiền lá hoặc rễ lá lốt đem sắc lấy nước, súc miệng nhiều lần trong ngày.
- Uống kháng sinh theo đơn: đơn thuốc bác sĩ kê thông thường bao gồm thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc giảm đau và chống viêm… Thuốc kháng sinh được sử dụng với liều lượng phù hợp, chọn lọc để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng nha khoa. Nếu sử dụng làm dụng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc mất tác dụng. Lâu dài để lại tác hại không tốt cho cơ thể.
- Nếu đã áp dụng các cách trên và tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy thông báo đến bác sĩ điều trị của bạn và đặt lịch khám để được kiểm tra sớm nhất, xem vết nhổ có bị lọt thức ăn hoặc dị vật gây viêm hay không, tránh chịu đựng để tình trạng kéo dài vì rất có thể vị trí nhổ đã bị viêm nhiễm nặng.
Một số lưu ý sau nhổ răng:
- 24 giờ đầu sau nhổ, không tác động vào khoang miệng bao gồm cả súc miệng với nước muối, không khạc nhổ mạnh.
- Không đá lưỡi hay dùng vật cứng, ngón tay chạm vào vùng lợi còn đang tổn thương. Vết thương hở là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công.
- Không dùng chất kích thích, thực phẩm có tính cay nóng, dễ gây kích ứng, khiến cho tình trạng thêm xấu. Hạn chế ăn đồ ngọt, các thực phẩm giòn như bánh, gà rán… Vụn từ thức ăn khi không được rửa trôi hết sẽ mắc lại ở vị trí nhổ răng do vết thương đang bị sưng tạo thành khe hở lưu giữ vụn thức ăn.
- Chú ý đến các chế biến thực phẩm sao cho dễ tiêu, dễ nuốt. Bổ sung vitamin từ các loại rau, củ, quả. Vitamin giúp thúc đẩy quá trình lành thương.