Trong quá trình niềng răng, răng số 4 hoặc 5 thường được ưu tiên chỉ định nếu việc nhổ răng là cần thiết. Tuy nhiên, với một số trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng số 6 thay thế. Vậy, tại sao phải nhổ răng số 6 để niềng răng? Nhổ răng số 6 có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
Mục lục
1. Vị trí và vai trò của răng số 6
Răng số 6, còn được gọi là răng hàm 6 tuổi bởi chúng thường mọc vào khoảng 6 tuổi. Đây là chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên mọc lên, nếu mất đi sẽ không có răng khác mọc thay thế như răng sữa. Mỗi người có tất cả bốn chiếc răng số 6, chia đều cho hàm trên và dưới. Đếm từ răng cửa số 1 thì răng này nằm ở vị trí số 6, phía trong của hàm răng.
Về mặt cấu tạo, răng hàm số 6 là răng hàm kích thước tương đối lớn, bề mặt tiếp xúc rộng, nhiều gờ rãnh. Điều này giúp răng hàm số 6 chịu được một lực lớn từ việc nhai, mài và nghiền thức ăn. Do đó, răng hàm số 6 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm nhỏ, nghiền nát thức ăn giúp tiêu hóa dễ dàng [1].
2. Trường hợp nào cần nhổ răng số 6 để niềng răng?
Thông thường, bác sĩ sẽ hạn chế tối đa việc chỉ định nhổ răng số 6. Bởi mất răng này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc ăn, nhai đồng thời thân răng khá lớn nên quá trình nhổ sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt, khi răng số 6 có vấn đề không thể khắc phục được thì bác sĩ sẽ cân nhắc việc nhổ răng số 6 để niềng răng.

Răng bị sứt mẻ
Răng số 6 bị tác động ngoại lực lớn hoặc cắn phải vật cứng gây sứt mẻ, khó phục hình lại. Điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ hàm răng đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng này trước khi niềng [2].
Răng bị sâu
Đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến. Bởi răng hàm số 6 thường xuyên phải tiếp xúc với lượng lớn thức ăn, vị trí sâu trong hàm nếu không được vệ sinh hợp lý thì rất dễ dẫn đến sâu răng. Thông thường, tình trạng này có thể được điều trị nếu phát hiện sớm. Nhưng khi răng bị sâu quá nghiêm trọng, không thể hồi phục và có nguy cơ lây lan sang các răng bên cạnh thì việc nhổ bỏ trước khi niềng là điều cần thiết [2].
☛ Xem thêm: Răng số 6 bị sâu và câu hỏi nên giữ hay bỏ?
Răng mọc ngầm
Răng số 6 mọc ngầm, mọc lệch, không mọc đúng vị trí làm ảnh hưởng đến chức năng nhai của cả hàm. Điều này có thể xảy ra do răng quá lớn so với kích thước cung hàm, các răng khác mọc chen chúc chiếm hết chỗ khiến cho răng số 6 không có đủ không gian để mọc.
Khi đó, răng số 6 sẽ không thể đảm nhiệm vai trò nhai, nghiền nát thức ăn dẫn đến khớp cắn sau bị yếu, không đủ lực làm nhuyễn thức ăn. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng này để kéo các răng còn lại gần nhau, tăng cường lực đảm bảo tốt chức năng nhai của hàm [2].
Viêm nha chu
Viêm nha chu, còn được gọi là bệnh viêm nướu, là tình trạng nhiễm trùng các mô, xương bao quanh và nâng đỡ răng. Điều này có thể làm cho răng bị lung lay, không chắc chắn. Do đó, nếu bạn bị viêm nha chu tại vị trí răng số 6 thì cần phải nhổ bỏ để đảm bảo niềng răng đạt hiệu quả cao [2].
☛ Đọc thêm: Trường hợp nào cần nhổ răng số 5 để niềng răng?
3. Nhổ răng số 6 có đau không?

Răng số 6 có cấu trúc tương đối lớn và chắc chắn nhờ 2 – 4 chân răng cố định bám chặt trong xương hàm. Bên cạnh đó, vị trí mọc của răng số 6 có chứa rất nhiều dây thần kinh và mạch máu. Do đó, quá trình nhổ răng này sẽ phức tạp và có thể gây đau nhức, sưng đỏ hơn so với các răng khác.
Tuy nhiên, với bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị nhổ răng hiện đại, người bệnh sẽ không phải chịu đau đớn kéo dài như những phương pháp thông thường. Trong quá trình nhổ răng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào nướu để làm tê liệt cảm giác đau của bạn. Sau khi nhổ răng xong và thuốc tê hết tác dụng, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi đau nhức. Mức độ đau ít hay nhiều sẽ tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và số lượng răng đã nhổ.
4. Nhổ răng số 6 để niềng răng có ảnh hưởng gì không?
Răng số 6 là răng hàm lớn có vai trò quan trọng trong việc nhai, nghiền thức ăn cũng như về mặt thẩm mỹ của hàm răng. Do đó, sau khi nhổ răng số 6, việc ăn uống của bạn có thể bị ảnh hưởng đôi chút.
Bạn sẽ cần chú ý không để thức ăn rơi vào khoảng trống sau nhổ răng này. Bởi nếu thức ăn rơi vào đó có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Khi vết thương sau nhổ răng đã lành lại thì bạn hoàn toàn có thể ăn uống như bình thường.

Thông thường, nhổ răng hàm số 6 khá là an toàn. Tuy nhiên, việc nhổ răng vẫn sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện cho bạn cùng với thiết bị sử dụng vô trùng, đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, các bệnh về tim, suy giảm miễn dịch, xơ gan, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn… cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau nhổ răng. Do đó, nếu bạn có đã hoặc đang mắc các bệnh này thì hãy trao đổi với bác sĩ để có giải pháp phù hợp nhất [2].
☛ Cảnh báo: Dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn!
Một số quan điểm cho rằng sau khi nhổ răng số 6 có thể gặp phải các biến chứng như ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, tiêu xương hàm, sai lệch khớp cắn… Tuy nhiên, những biến chứng này chỉ xảy ra khi bạn nhổ răng hàm số 6 mà không thực hiện các phương pháp xử lý giúp đóng kín khoảng trống sau nhổ.
Đối với quá trình niềng răng, sau khi nhổ răng số 6 xong bác sĩ thường thực hiện các biện pháp kéo răng số 7,8 đến để đóng kín khoảng trống. Điều này đảm bảo cho bạn có một hàm răng ổn định, khớp cắn cân đối, tránh các ảnh hưởng không mong muốn từ việc nhổ răng.

Ngoài ra, có nghiên cứu cho thấy nếu bệnh nhân chưa có răng số 8 (hay còn gọi là răng khôn) thì sau khi nhổ răng số 6 sẽ thúc đẩy việc mọc răng số 8 nhanh hơn [3]. Từ đó, làm hẹp dần khoảng nhổ của răng số 6 giúp quá trình đóng kín hiệu quả hơn. Răng số 8 mọc lên đảm bảo cho hàm răng chắc khỏe đáp ứng nhu cầu ăn uống bình thường của bạn. Tuy nhiên, do khoảng nhổ răng số 6 khá rộng đồng thời răng hàm số 7, 8 đều lớn và nhiều chân răng nên quá trình đóng kín khoảng trống có thể kéo dài hơn so với việc nhổ các răng nhỏ.
5. Phương pháp đóng kín khoảng trống sau nhổ răng số 6
Dưới đây là một số phương pháp giúp đóng kín khoảng trống sau nhổ răng được sử dụng phổ biến hiện nay:
Sử dụng minivis, lò xo: bác sĩ sẽ cấy một minivis để tạo một điểm neo chặn giúp khối răng di chuyển chính xác đến vị trí mong muốn. Đồng thời, minivis còn có công dụng để mắc chun hay lò xo giúp kéo các răng số 7,8 ra phía trước đóng kín khoảng trống sau khi nhổ răng số 6. (☛ Có thể bạn quan tâm: Cắm minivis bị lung lay nên xử lý thế nào?)
Sử dụng hệ thống móc: móc được bấm vào dây cung trong niềng răng giúp liên kết các nhóm răng trước sau khoảng trống. Đối với trường hợp đóng kín khoảng nhổ răng số 6, bác sĩ thường dùng loại móc tác động lực để kéo nhóm răng số 7,8 ra phía trước. Điểm nổi bật của hệ thống này là không cần cấy minivis. Tuy nhiên, nhiều loại móc có thể gây vướng víu ban đầu.
Sử dụng chuỗi chun đóng khoảng: chun chuỗi đóng khoảng thường được sử dụng khi khoảng trống chỉ còn diện tích nhỏ. Chuỗi chun sẽ được gắn vào mắc cài tạo lực bổ sung giúp đưa các răng di chuyển lại gần nhau hơn.
6. Lưu ý khi nhổ răng số 6 để niềng răng
Để đạt được hiệu quả tốt nhất sau khi nhổ răng số 6 để niềng răng, bạn nên tham khảo một số lưu ý dưới đây [2]:
- Hãy uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để giảm đau và nguy cơ nhiễm trùng. Tuyệt đối không được tự ý dùng các thuốc khác khi không có sự tư vấn của bác sĩ để tránh tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, bạn có thể giảm đau và sưng bằng cách chườm đá khoảng 10 phút lên chỗ đau.
- Nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 24 giờ sau khi nhổ răng. Hạn chế các hoạt động gắng sức trong 2 ngày tiếp theo.
- Hạn chế rửa hoặc khạc mạnh trong 24 giờ sau khi nhổ răng để tránh làm tan cục máu đông hình thành trong khoảng nhổ răng. Sau đó, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng nhẹ.
- Không sử dụng ống hút khi uống nước để tránh tác động vào vết thương sau nhổ răng.
- Không hút thuốc bởi thuốc lá chứa nhiều chất độc hại ức chế quá trình làm lành vết thương.
- Ăn thức ăn mềm, chẳng hạn như súp, cháo dinh dưỡng, bánh pudding, sữa chua… trong vài ngày sau khi nhổ răng. Sau đó, thêm dần dần thức ăn rắn vào chế độ ăn uống của bạn khi vết thương sau nhổ lành lại.
- Bạn vẫn có thể tiếp tục chải răng và dùng chỉ nha khoa, chải lưỡi, tuy nhiên hãy nhớ tránh vị trí nhổ răng. Làm như vậy sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
- Nếu bạn cảm thấy đau dữ dội, chảy máu hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau nhổ răng, hãy liên hệ ngay bác sĩ để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.
☛ Bài chi tiết: Những lưu ý khi nhổ răng người bệnh cần nắm rõ
Kết luận
Nói chung, răng số 6 có vai trò rất quan trọng trong việc ăn nhai cũng như thẩm mỹ. Vậy nên, trong quá trình chỉnh nha, bác sĩ sẽ hạn chế tối đa chỉ định nhổ răng số 6 trừ những trường hợp bắt buộc, không có lựa chọn nào tốt hơn. Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có được những thông tin hữu ích về vấn đề nhổ răng số 6 để niềng răng! Nha khoa Phú Hòa chúc bạn sớm có được một hàm răng chắc khỏe cùng với nụ cười tự tin, tươi sáng!
Nguồn tham khảo
[1]: https://www.verywellhealth.com/molar-definition-of-molar-1059429
[2]: https://utodent.com/molar-teeth-removal/
[3]: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24146200/