Tác dụng của thun chuỗi, đeo thun chuỗi có đau không?
Thun chuỗi là khí cụ không thể thiếu trong niềng răng mắc cài. Trong bài viết hôm nay, mời các bạn tìm hiểu chi tiết về công dụng và các câu hỏi thường gặp về thun chuỗi.
Mục lục
1. Thun chuỗi dùng để làm gì?

Việc sử dụng thun chuỗi trong niềng răng giúp tăng cường lực kéo và phân bổ lực đồng đều lên răng, nhờ đó nhanh chóng đóng lại khoảng trống giữa các răng, điều chỉnh đồng thời các yếu tố: khoảng cách giữa các răng, vị trí răng và dáng răng trên khuôn hàm.
Hiện nay, thun chuỗi được phân thành 3 loại như sau:
- Thun chuỗi đóng: Các mắt xích chữ O liên tiếp nhau, không có khoảng cách. Loại thun chuỗi này được sử dụng khi cần tăng lực kéo giữa 2 răng liền kề nhau.
- Thun chuỗi ngắn: Được tạo ra từ 3 – 4 mắt xích chữ O, mỗi mắt xích cách nhau một khoảng nhỏ, được dùng để tăng lực kéo giữa 3 – 4 răng liền kề.
- Thun chuỗi dài: Gồm nhiều mắt xích chữ O liên kết với nhau, mỗi mắt xích cách nhau một khoảng lớn hơn, giúp tạo lực móc nối các răng trên cả hàm.
Thông thường, thun chuỗi sẽ được sử dụng ở giai đoạn giữa của quá trình niềng răng. Bác sĩ đánh giá các vấn đề như: khoảng cách răng, sự thẳng hàng của răng và hàm, tốc độ điều trị trước khi đưa ra quyết định.
2. Cần đeo thun chuỗi trong bao lâu?
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, một liệu trình niềng răng thường kéo dài trong khoảng 1.5 – 2 năm và thời gian đeo thun chuỗi thường kéo dài vài tháng. Nhưng hoảng thời gian này có thể là liền mạch hoặc không liền mạch tùy theo kế hoạch chỉnh nha đã được xây dựng và tốc độ tiến triển trong điều trị.

Để xác định thời điểm tháo thun chuỗi, bác sĩ thường dựa vào các yếu tố như:
- Độ sát khít của răng đã đạt tiêu chuẩn.
- Tốc độ dịch chuyển của răng đã đạt đúng kế hoạch điều trị.
- Dáng răng được điều chỉnh bình thường, không bị xoay.
- Các răng mọc đều và thẳng trên khuôn hàm, không còn khấp khểnh.
- Khớp cắn đúng khi ngậm miệng.
3. Cách đeo thun chuỗi
Thông thường, thun chuỗi được tháo và đeo bởi bác sĩ nha khoa trong các lần điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm hiểu cách đeo thun chuỗi để xử lý trong trường hợp bị bung, tuột thì có thể thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
Cách đeo thun chuỗi đóng:
- Bước 1: Chuẩn bị một chiếc nhíp đầu nhọn và khử trùng sạch sẽ trước khi thực hiện.
- Bước 2: Dùng nhíp gắp thun chuỗi đóng và móc một mắt xích vào một đầu mắc cài niềng răng.
- Bước 3: Kéo căng thun chuỗi mà móc mắt xích còn lại vào mắc cài của chiếc răng liền kề.

Cách đeo thun chuỗi ngắn và dài:
- Bước 1: Chuẩn bị nhíp đầu nhọn và khử trùng dụng cụ trước khi thực hiện.
- Bước 2: Dùng nhíp gắp thun chuỗi và móc một mắt xích vào mắc cài trên răng đầu tiên.
- Bước 3: Kéo căng thun chuỗi và tiếp tục mắc mắt xích kế tiếp vào chiếc răng thứ 2. Thực hiện tương tự với các răng kế tiếp cho đến khi hoàn thành.
Các thao tác đeo thun chuỗi nhìn qua không quá khó, có thể mô phỏng tại nhà. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình đeo thun chuỗi, bác sĩ còn quan sát tình trạng răng, từ đó điều chỉnh độ căng và lựa chọn kỹ thuật chuyên môn. Vì vậy, nếu thun đứt hoặc tuột nhiều lần, bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ thay mới và đeo lại để đảm bảo hiệu quả điều trị.
4. Đeo thun chuỗi có đau không?
Bản chất của việc đeo thun chuỗi là tạo ra lực kéo lớn hơn để xoay và dịch chuyển vị trí của răng. Lực tác động này gây ảnh hưởng đến hệ thống dây chằng, cơ và thần kinh nên có thể gây đau. Tuy nhiên, cảm giác đau và khó chịu không đáng kể và chỉ kéo dài trong 2-3 ngày.

Nếu sau khi đeo thun chuỗi, người bệnh bị đau kéo dài, không giảm hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng như: chảy máu, sưng đỏ thì cần đến ngay cơ sở nha khoa để được bác sĩ thăm khám kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải một số vấn đề như:
- Viêm nướu: Do gia tăng nguy cơ dắt thức ăn, hình thành mảng bám trên răng và gây kích ứng nướu.
- Sâu răng: Mảng bám thức ăn có thể là dấu hiệu của giai đoạn khử khoáng răng, sau đó tiến triển thành sâu răng.
- Chân răng ngắn: Do răng có thể bị kéo dịch chuyển lên trên, làm giảm tỷ lệ chân răng. Điều này khiến răng kém ổn định, yếu và đau.
5. Lưu ý chăm sóc răng khi đeo thun chuỗi
Đeo thun chuỗi tạo điều kiện cho thức ăn bám đọng, tăng nguy cơ tạo mảng bám, gây sâu răng, cao răng, hôi miệng. Vì vậy, người bệnh cần chú ý chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng.

Một số lưu ý cho bạn sau khi đeo thun chuỗi gồm:
- Vệ sinh răng sau khi ăn: Dùng bàn chải sợi mảnh và đánh răng nhẹ nhàng giúp loại bỏ mẩu thức ăn bám đọng trên răng. Nếu không thể đánh răng, bạn hãy súc miệng thật kỹ sau bữa ăn.
- Chải răng nhẹ nhàng: Nên chọn loại bàn chải sợi mảnh, lông mềm và thao tác nhẹ nhàng, tránh tạo lực mạnh làm tăng nguy cơ bung mắc cài hoặc giảm độ đàn hồi của thun chuỗi.
- Nên dùng chỉ nha khoa: Dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn ở kẽ răng và mắc cài. Điều này giúp giảm cảm giác ê buốt, khó chịu trong thời gian mới đeo thun chuỗi.
- Súc miệng: Dù dùng chỉ hay đánh răng, bạn cũng nên súc miệng bằng nước súc miệng chứa florua. Thói quen này giúp khoang miệng và các kẽ răng, mắc cài được làm sạch tốt hơn.
- Thường xuyên kiểm tra: Hãy soi gương để kiểm tra lại tình trạng của mắc cài và thun chuỗi sau khi vệ sinh răng miệng. Nếu phát hiện các điểm đứt, gãy hay lỏng lẻo, cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ.
- Chú ý ăn uống: Bạn nên hạn chế một số thức ăn khiến mắc cài và thun chuỗi dễ bị hỏng như: thức ăn dính dễ bám đọng trên răng, thức ăn cứng có thể làm đứt thun chuỗi, đồ ăn ngọt làm tăng mảng bám.
Nhiều người bệnh có tâm lý lo lắng khi được bác sĩ chỉ định đeo thêm thun chuỗi trong quá trình niềng răng. Tuy nhiên, đây chỉ là một thủ thuật nhỏ giúp tăng hiệu quả, đảm bảo kết quả chỉnh nha diễn ra theo đúng các kế hoạch được đề xuất. Vậy nên, bạn hãy giữ tinh thần lạc quan và phối hợp, tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để có được hàm răng đẹp như ý.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/power-chain-braces
- https://www.verywellhealth.com/power-chain-elastomerics-braces-5209534