Trải qua quá trình niềng dao động từ 12-24 tháng, điều mong đợi nhất chính là bạn sẽ được tháo niềng để có thể tự tin với nụ cười không mắc cài của mình. Vậy tháo niềng răng có đau không, quy trình tháo như thế nào? Hãy cùng Nha khoa Quốc tế Phú Hoà khám phá nhé.
Mục lục
1. Niềng răng được tháo như thế nào?
Quy trình tháo niềng răng tại Nha khoa Quốc tế Phú Hoà được đảm bảo thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn và tay nghề cao, mang đến cho bạn sự an tâm và chính xác trong từng thao tác.
Tuy nhiên bạn có thắc mắc khi nào thì răng đạt đủ điều kiện để tháo niềng? Trước khi thực hiện bước cuối cùng này trong quy trình niềng răng, bác sĩ sẽ đánh giá răng bạn dựa trên 4 tiêu chí sau:
- Khớp cắn đúng: Hàm trên phủ ngoài và trước hàm dưới 1-2mm, múi ngoài của răng hàm số 6 trên khớp với rãnh ngoài của răng hàm số 6 dưới.
- Đường giữa hàm trên trùng với đường giữa của mặt: Đường giữa hàm trên và đường giữa hàm dưới chính là đường thẳng giữa hai răng cửa chính. Đường giữa mặt là đường thẳng kẻ từ đỉnh trán – đỉnh mũi – nhân trung – đỉnh cằm. Trường hợp chỉnh nha hoàn hảo là khi để 3 đường thẳng này trùng với nhau. Tuy nhiên, nếu hàm dưới thiếu răng bẩm sinh thì chúng ta chỉ cần xét đường giữa hàm trên và đường giữa mặt là được.
- Chức năng ăn nhai: Các răng đã vào đúng vị trí khớp cắn sẽ hỗ trợ lực giúp bạn nhai nghiền thức ăn dễ dàng và hiệu quả.
- Tính thẩm mỹ: Niềng răng là một trong những phương pháp giúp bạn “lột xác” bất ngờ mà không cần phải qua phẫu thuật. Khi răng đã vào đúng vị trí, xương hàm và góc mũi – môi – cằm được điều chỉnh sẽ khiến gương mặt bạn trông hài hoà, cân đối hơn, đặc biệt khi nhìn từ góc nghiêng.

Trải qua quá trình thăm khám và đánh giá lần cuối, bác sĩ sẽ tiến hành tháo niềng răng cho bạn theo 3 bước sau.
1.1. Tháo bỏ mắc cài
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành tháo dây cung ra trước để trên cung hàm chỉ còn lại mắc cài. Kế đến, kìm nha khoa chuyên dụng và chất phá keo dính nha khoa sẽ được sử dụng để phá vỡ dễ dàng các liên kết tại chân đế mắc cài. Trong quá trình này, bạn sẽ cảm nhận được một lực nhỏ tác động lên răng mình khi bác sĩ thao tác. Tuy nhiên điều này không đáng lo ngại vì không hề gây ra cảm giác khó chịu.
1.2. Làm sạch và đánh bóng men răng

Sau khi kết thúc bước 1 trong nhẹ nhàng, bạn hoàn toàn có thể an tâm rằng các bước tiếp theo sẽ được thực hiện vô cùng dễ chịu. Ở bước 2, bác sĩ sẽ tiến hành đánh bóng toàn bộ bề mặt răng trong vòng 5-10 phút. Nguyên nhân vì khi tháo bỏ các khí cụ trên răng, sẽ còn đọng lại ít nhiều keo dính hoặc xi măng nha khoa trên bề mặt.
Ở bước đánh bóng răng, bác sĩ sử dụng dụng cụ nha khoa chuyên dụng và sáp để lấy đi các vụn nhỏ còn tồn tại trên bề mặt răng. Phần sáp này chứa những hạt mịn nhỏ có thể giúp dụng cụ đánh bóng loại bỏ được triệt để những mảng bám còn sót lại trên răng.
Dụng cụ nha khoa được sử dụng ở đây là đầu chổi mềm gắn lên đầu tay khoan. Đầu chổi sẽ xoay tròn với tốc độ nhanh để loại bỏ các vụn bám còn sót lại. Sự kết hợp giữa dụng cụ và sáp nhờ vậy giúp răng trông sáng mịn và bóng đẹp hơn.
1.3. Đeo hàm duy trì
Sau khi tháo niềng, bạn cần đeo hàm duy trì để đảm bảo thành quả mà mình đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Hàm duy trì là một công cụ có tác dụng giữ răng bạn luôn ở đúng vị trí phác đồ đã đưa ra ban đầu. Một vài trường hợp người niềng răng không đeo hàm duy trì, dẫn đến hậu quả răng dịch chuyển lệch lạc, không còn đạt được hiệu quả chỉnh nha như mong muốn.

Có 2 loại hàm duy trì là duy trì cố định và duy trì tháo lắp:
- Hàm duy trì cố định: Bác sĩ dùng đoạn thanh kim loại hoặc dây duy trì để gắn vào mặt trong răng bằng composite. Tuy nhiên không phải ai cũng được chỉ định áp dụng phương pháp này vì nó còn phụ thuộc vào khớp cắn của bạn.
- Hàm duy trì tháo lắp: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu răng và gửi xưởng để chế tạo hàm tháo lắp theo khuôn răng của bạn. Loại hàm này là một máng trong suốt hoặc nhựa dẻo kết hợp cung kim loại ôm theo đường răng.
Ưu điểm của hàm duy trì cố định chính là bạn sẽ không phải sợ những lúc đãng trí có thể quên đeo hoặc bỏ quên hàm ở đâu đó. Tuy nhiên nhược điểm như đã đề cập chính là không thể thực hiện cho tất cả trường hợp, hàm gắn chặt vào răng khiến việc vệ sinh kẽ gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình ăn nhai, bạn cũng không được cắn trực tiếp thức ăn vào vùng răng đang mang dây duy trì vì sẽ gây bong.
Ưu điểm của hàm duy trì tháo lắp chính là mang lại tính thẩm mỹ cao, dễ dàng tháo lắp giúp việc ăn uống và vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng thực hiện. Song song với ưu điểm, loại hàm này vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm nhỏ như: Tính chất dễ dàng tháo lắp của hàm khiến bạn quên không đeo đủ thời gian quy định, việc ăn nhai mạnh trong lúc chưa tháo hàm có thể gây ảnh hưởng đến kết cấu hàm ban đầu.
Vì vậy, tuỳ nhu cầu cá nhân mà bạn có thể chọn lựa loại hàm phù hợp cho bản thân mình. Hoặc bạn có thể lắng nghe thêm ý kiến từ chuyên gia để việc duy trì kết cấu răng sau niềng luôn được đảm bảo.
2. Tháo niềng răng có đau không?

“Tháo niềng răng có đau không?” là câu hỏi rất được nhiều người quan tâm vì quá trình niềng đã gây ra không ít bất tiện và có đôi lúc gây đau cho người niềng khi ăn nhai. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể an tâm vì đây đơn giản chỉ là việc bác sĩ sẽ giúp bạn cởi bỏ các mắc cài, dây cung ra khỏi răng mà không gây tổn hại đến các vị trí xung quanh.
Thao tác tháo mắc cài khỏi răng nhìn chung không mang lại cảm giác đau đớn. Thông thường, vị trí răng hàm sẽ dễ thao tác hơn. Ở phần răng cửa, bạn có thể cảm thấy hơi cấn một chút. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ chọn lựa điểm tỳ phù hợp và thao tác cẩn thận để giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Điều quan trọng cần lưu ý là trong quá trình tháo niềng, bạn không nên vì căng thẳng mà gồng cứng cơ cổ, hoặc đột ngột giật tay bác sĩ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến thao tác thực hiện và có thể vô tình làm tổn thương răng, nướu của bạn. Thời gian tháo niềng và vệ sinh răng sau đó khoảng từ 45 – 60 phút tuỳ từng trường hợp. Vì vậy bạn cần cân nhắc sắp xếp thời gian hợp lý để đến nha khoa thực hiện, không ảnh hưởng đến công việc.
3. Những lưu ý sau khi tháo niềng răng

Sau khi tháo niềng răng không phải là lúc bạn có thể tự do ăn uống hoặc tiếp tục những thói quen xấu như nghiến răng, dùng lưỡi đẩy răng,… vì đây là “giai đoạn vàng” quyết định xem bạn có giữ được thành quả của mình suốt hơn 1 năm qua hay không. Sau đây là một số lưu ý từ Nha khoa Quốc tế Phú Hoà mà bạn nên thực hiện:
- Đeo hàm duy trì ít nhất 18h/ ngày để răng, hàm ổn định. Sau một thời gian có thể giảm dần số giờ đeo để bạn thoải mái hơn.
- Chăm sóc răng miệng đúng cách bằng việc chải răng 2 lần/ ngày, kết hợp dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn và súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng để giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh lý răng miệng.
- Ngưng thực hiện những hành động có thể khiến vị trí răng bị dịch chuyển như nghiến răng, thở bằng miệng, dùng lưỡi đẩy răng,…
- Giữ thói quen ăn uống tốt cho sức khoẻ răng miệng, bao gồm bổ sung các dưỡng chất chứa nhiều protein, vitamin giúp răng chắc khoẻ, sáng bóng. Bên cạnh đó, không quên hạn chế ăn thực phẩm ngọt, nhiều đường, uống nước có ga, bia rượu, thuốc lá.
- Nghiêm túc thực hiện theo dặn dò của bác sĩ. Nếu không, răng sẽ có nguy cơ tái xô lệch bất kỳ lúc nào. Trong trường hợp răng dịch chuyển không như ý, bạn cần đến nha khoa lập tức để bác sĩ tiến hành thăm khám và tìm hướng khắc phục kịp thời.
- Nhắc lịch tái khám định kỳ 2 lần/ năm để kiểm tra răng sau khi niềng cũng như đánh giá sức khoẻ răng miệng, lấy cao răng định kỳ.
Có thể thấy, việc tháo niềng răng không hề đáng sợ như bạn nghĩ, thậm chí đó còn là một bước đáng mong đợi đánh dấu rằng bạn đã hoàn thành xong quy trình và có thể tự tin với nụ cười không mắc cài của mình. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là tìm được một nha khoa uy tín để thực hiện niềng răng. Điều này sẽ giúp cho bạn có một quy trình niềng răng trọn vẹn và ít đau đớn nhất.