Nhổ răng là việc bác sĩ thường hạn chế chỉ định trong quá trình chỉnh nha. Tuy nhiên, với một số trường hợp niềng răng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng số 4. Bởi đây là giải pháp tốt nhất đảm bảo cho quá trình niềng đạt hiệu quả cao. Vậy, tại sao lại niềng răng nhổ răng số 4 mà không phải các răng khác? Cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Vị trí và vai trò của răng số 4
- 2. Tại sao khi niềng răng thường nhổ răng số 4?
- 3. Khi nào cần nhổ răng số 4 để niềng răng
- 4. Niềng răng nhổ răng số 4 có đau không?
- 5. Niềng răng nhổ răng số 4 có ảnh hưởng gì không?
- 6. Khoảng trống sau nhổ răng số 4 được đóng kín bằng cách nào?
- 7. Lưu ý khi nhổ răng số 4 để niềng răng
1. Vị trí và vai trò của răng số 4

Răng số 4 là răng hàm nhỏ thứ nhất của con người, còn có tên gọi khác là răng tiền hàm. Răng số 4 gồm có 4 chiếc, 2 chiếc hàm trên và 2 chiếc hàm dưới. Hình dạng của răng số 4 giống như mũ nấm, kích thước tương đối nhỏ và nhọn dần về bốn góc. Tính từ răng cửa chính vào trong thì răng số 4 nằm ở vị trí thứ tư, ở giữa răng nanh số 3 và răng hàm nhỏ số 5.
Răng số 4 có diện tích bề mặt cắn khá lớn của răng hàm và nhọn dần về 4 góc. Điều này giúp răng số 4 có vai trò hỗ trợ răng nanh xé nhỏ thức ăn đồng thời giúp răng hàm lớn số 6 và 7 nghiền nát thức ăn.
2. Tại sao khi niềng răng thường nhổ răng số 4?
Trong quá trình niềng răng, nếu bắt buộc phải nhổ thì bác sĩ thường chỉ định nhổ răng hàm nhỏ (số 4, số 5). Bởi vị trí thuận lợi của chúng, răng số 4 nằm ở giữa cung hàm răng. Do đó, sau khi răng số 4 bị mất đi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự di răng của cả các răng phía ngoài và răng bên trong. Đồng thời hạn chế tình trạng răng bị xô lệch, không di chuyển đúng vị trí mong muốn.
Bên cạnh đó, răng số 4 và răng số 5 đều là răng hàm nhỏ và có chức năng gần như tương tự nhau. Vậy nên, răng số 4 sau khi bị nhổ đi thì sẽ được thay thế bằng răng số 5 mà vẫn giữ nguyên chức năng cũng như thẩm mỹ cho hàm răng.
Ngoài ra, nếu răng số 4 có nguy cơ bệnh lý cao và gây ảnh hưởng đến các răng khác như: sâu, viêm nha chu, viêm tủy, bị hư tổn, mẻ, chấn thương khó phục hồi… Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định nhổ răng số 4.
Đọc thêm:
3. Khi nào cần nhổ răng số 4 để niềng răng
Tùy đối tượng chỉnh nha cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định có phải nhổ răng số 4 hay không. Dưới đây là một số trường hợp phổ biến cần niềng răng nhổ răng số 4:
3.1. Răng hô hoặc móm nặng
Răng hô, móm nặng là các vấn đề khá phổ biến và có thể dễ dàng nhận biết. Răng hô là tình trạng hàm trên bị nhô ra quá mức so với hàm dưới. Ngược lại, răng móm là tình trạng hàm dưới nằm chìa ra ngoài so với hàm trên. Cả hai trường hợp này đều làm cho khuôn mặt không cân đối và gây mất thẩm mỹ. Vậy nên, chỉ định nhổ răng số 4 trong các trường hợp này sẽ giúp kéo các cụm răng cửa vào khi niềng làm cho hàm răng cân đối hơn.
3.2. Răng mọc lệch nhau nhiều
Răng mọc lệch nhau nhiều là tình trạng các răng mọc chồng lên nhau, xiêu vẹo gây mất thẩm mỹ. Bên cạnh đó, răng mọc lệch nhiều còn gây khó khăn cho các hoạt động nhai và vệ sinh răng miệng. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do khung hàm nhỏ không đủ chỗ để cho tất cả các răng. Với trường hợp này, bác sĩ thưởng chỉ định nhổ cả 4 răng số 4 để đủ chỗ kéo các răng còn lại vào đúng vị trí mong muốn trong quá trình niềng.
3.3. Khớp cắn bị lệch nặng
Khớp cắn bị lệch không chỉ làm khuôn mặt mất cân đối mà còn ảnh hưởng đến việc nhai thức ăn và vệ sinh răng miệng. Đồng thời, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng. Các dạng sai lệch khớp cắn phổ biến như: khớp cắn ngược, khớp cắn chéo, khớp cắn sâu, khớp cắn hở…
4. Niềng răng nhổ răng số 4 có đau không?
Phía dưới răng có hệ thống dây thần kinh nên khi nhổ răng sẽ tạo cảm giác đau nhức trong 2-3 ngày đầu. Tuy nhiên, phụ thuộc vào cơ địa từng người mà bạn sẽ cảm thấy đau nhiều hay ít. Bạn cũng không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Bởi hiện nay, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cho bạn trước khi nhổ. Do đó, trong suốt quá trình nhổ răng, bạn sẽ không cảm thấy đau đớn. Đồng thời, sau khi hoàn tất tiểu phẫu này, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau cho bạn sử dụng.
5. Niềng răng nhổ răng số 4 có ảnh hưởng gì không?
Trước khi đưa ra chỉ định nhổ răng, bác sĩ sẽ phải kiểm tra thật kỹ tình trạng răng miệng của bệnh nhân thông qua quan sát, ảnh chụp X-quang… để có được giải pháp đúng đắn và hiệu quả nhất.
Trước đây, có một vài bác sĩ chỉnh nha cho rằng việc nhổ răng số 4 sẽ làm cho gương mặt bệnh nhân bị phẳng. Sau này theo thời gian, mặt sẽ bị sập ở tầng giữa và nhìn già hơn so với tuổi thật. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Brazil cho thấy việc nhổ răng hàm nhỏ số 4 không làm cho mặt bệnh nhân già đi.
Nghiên cứu này thực hiện trên 63 bệnh nhân đã chỉnh nha, sửa hô ít nhất 8 năm gồm có 3 nhóm: không nhổ răng, nhổ 2 răng hàm nhỏ và nhổ 4 răng hàm nhỏ. Ảnh chụp khuôn mặt được đưa cho 83 người bình thường cùng 76 bác sĩ nha khoa đánh giá. Kết quả cho thấy không hề có sự khác biệt có ý nghĩa giữa ba nhóm [1]. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy kết quả việc nhổ răng hàm nhỏ số 4 không hề ảnh hưởng đến kích thước dọc của khuôn mặt.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân lo ngại rằng sau khi nhổ răng số 4 sẽ bị hóp má. Tuy nhiên, việc hóp má chỉ xảy ra khi nhổ răng số 4 mà không thực hiện các biện pháp lấp đầy khoảng trống. Theo thời gian dẫn đến hiện tượng tiêu xương gây ra tình trạng hóp má. Còn đối với việc niềng răng nhổ răng số 4, sau một thời gian, các răng khác sẽ dịch chuyển đến đóng kín khoảng trống của răng số 4 nên không xảy ra hiện tượng này.
Một số ý kiến cho rằng khi nhổ các răng số 4 và kéo lùi răng ra sau thì sẽ làm giảm chiều dài cung răng, làm giới hạn lưỡi cũng như vị trí đúng của lưỡi. Từ đó, dẫn đến đường thở bị hẹp lại. Kết quả từ các nghiên cứu cho đến nay cũng có sự khác nhau về vấn đề này. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy mặc dù có sự giảm kích thước chiều rộng hai bên răng hàm, giảm không gian đặt lưỡi nhưng việc nhổ răng số 4 không ảnh hưởng gì đến đường thở phía trên của bệnh nhân [2]. Một số nghiên cứu khác kết luận chưa thấy mối liên hệ rõ ràng của việc nhổ răng số 4 đối với đường thở.
Tuy nhiên, răng số 4 ở hàm trên có vị trí khá gần với xoang mũi, nếu bác sĩ dùng lực quá mạnh có thể gây tổn thương vùng này. Hoặc khi nhổ răng, bác sĩ phải rạch nướu quá nhiều hoặc vô tình tác động đến hệ thần kinh dưới răng thì sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân. Một số trường hợp có thể bị viêm, nhiễm trùng sau khi nhổ do ăn uống, vệ sinh không theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vậy nên, bạn hãy lựa chọn những cơ sở nha khoa uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao và các thiết bị sử dụng tiên tiến để đảm bảo niềng răng nhổ răng đạt hiệu quả tốt nhất.
6. Khoảng trống sau nhổ răng số 4 được đóng kín bằng cách nào?
Khoảng trống sau khi nhổ răng số 4 sẽ được tận dụng để sắp đều các răng tạo hàm răng đều đặn, thẩm mỹ hơn. Khoảng trống này phải được đóng kín hoàn toàn sau khi kết thúc quá trình niềng. Bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp đóng kín khoảng trống sau:
6.1. Sử dụng minivis chỉnh nha
Đây là lựa chọn tối ưu trong trường hợp bác sĩ cần tận dụng hết khoảng trống để đưa nhóm răng cửa vào giảm hô hoặc sắp đều các nhóm răng. Một minivis được đặt vào giữa hai chân răng phía sau có tác dụng giữ cho nhóm răng sau không di chuyển ra trước đồng thời minivis đó cũng được sử dụng để mắc chun hay lò xo để kéo nhóm răng phía trước lại lấp đầy khoảng trống giúp giảm hô móm hiệu quả. Phương pháp này khá đơn giản, không cần hệ thống đặt lực phức tạp.
6.2. Sử dụng hệ thống móc
Phương pháp này cũng được bác sĩ sử dụng khá nhiều để lấp đầy khoảng trống sau nhổ răng. Ưu điểm của việc dùng móc là bạn không cần phải cấy minivis. Tuy nhiên, một số loại móc có thể làm bạn cảm thấy vướng víu trong miệng. Giai đoạn đầu, khi chưa quen bạn có thể bị móc cọ vào niêm mạc má hoặc lợi gây khó chịu.
6.3. Sử dụng chun đóng khoảng
Sau khi khoảng trống thu hẹp lại còn diện tích nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng chun kéo. Thường là trong các trường hợp răng bị chen chúc nhiều. Sau khi răng được kéo giãn đều trên cung hàm, khoảng trống nhỏ còn lại sẽ được đóng kín nhờ việc sử dụng chun chuỗi.
7. Lưu ý khi nhổ răng số 4 để niềng răng
Mặc dù niềng răng nhổ răng số 4 tương đối đơn giản và an toàn, nhưng bất kì can thiệp nào trong nha khoa cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhiễm khuẩn hay biến chứng. Dưới đây là một số lưu ý khi niềng răng nhổ răng số 4 bạn nên nắm rõ:
Bạn cần lựa chọn kỹ lưỡng địa chỉ niềng răng nhổ răng uy tín với bác sĩ có chuyên môn cao và trang thiết bị tiên tiến, đạt tiêu chuẩn.
Sau khi nhổ răng số 4, bạn cần chăm sóc, vệ sinh răng miệng cẩn thận theo lời khuyên của bác sĩ. Đặc biệt, tránh đánh răng quá mạnh hoặc súc miệng bởi có thể tác động đến khoảng trống sau nhổ gây tổn thương.
Sử dụng thuốc giảm đau phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu vẫn cảm thấy đau nhức thì bạn có thể dùng phương pháp chườm lạnh hoặc chườm nóng.
Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là 24h sau khi nhổ để tránh ảnh hưởng đến vết thương.
Chế độ ăn uống sau nhổ đặc biệt quan trọng. Bạn nên ăn các đồ ăn mềm, dễ nhai, nuốt như các loại cháo dinh dưỡng, súp…
Trên đây là toàn bộ thông tin quan trọng về vấn đề nhổ răng số 4 khi chỉnh nha. Hi vọng thông qua bài viết, Nha Khoa Quốc Tế Phú Hòa đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này và giảm lo lắng nếu bác sĩ có chỉ định cho bạn niềng răng nhổ răng số 4.
Nguồn tham khảo
- https://academic.oup.com/ejo/article/38/3/272/2599874
- https://meridian.allenpress.com/angle-orthodontist/article/82/5/853/58096/First-premolar-extraction-effects-on-upper-airway
- https://www.scielo.br/j/dpjo/a/XwMtCL6Hsm5RwWjqLyvZfWH/?lang=en