Phần thân răng là phần lộ ra bên ngoài trong cung hàm nên rất dễ bị tổn thương, sâu, gãy vỡ, dẫn đến tình trạng mất răng nhưng vẫn còn chân răng. Không chỉ chức năng ăn nhai bị ảnh hưởng, nếu không xử lý đúng cách, răng bị mất còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và cả khung hàm. Vậy, bạn cần làm gì khi gặp tình trạng này? Cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân mất răng nhưng vẫn còn chân răng
Mất răng nhưng vẫn còn chân răng gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt như giảm chức năng ăn nhai, lệch khớp cắn, mất trật tự các răng trên cung hàm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như là:
1.1. Các bệnh lý về răng miệng như sâu răng
Ban đầu, sâu răng chỉ làm ảnh hưởng đến răng ở một diện tích rất nhỏ, với biểu hiện là những vết đen li ti và xuất hiện lỗ nhỏ trên mặt trăng. Nhưng nếu không chăm sóc và xử lý đúng cách, chúng lan rộng ra và lớn dần lên theo thời gian với tốc độ rất nhanh, làm tổn thương đến tổ chức cứng của răng.
Chỉ khoảng vài tuần đến vài tháng, những mảnh vỡ trên mặt trăng ngày một lớn dần. Sâu càng nặng, răng càng bị tổn thương nặng hơn. Chúng tấn công vào lớp men răng và ngà răng vào phần thân răng, khiến cho răng dễ vỡ, mẻ, dẫn đến tình trạng mất răng nhưng vẫn còn chân răng.
1.2. Do bị mòn cổ chân răng
Tình trạng mòn cổ chân răng xảy ra khi phần cứng liên kết giữa chân răng và thân răng bị mất đi do một số nguyên nhân như:
- Chải răng quá mạnh hoặc dùng tăm trong thời gian dài.
- Ăn nhiều thực phẩm có tính axit làm mòn cổ chân răng.
- Cơ thể bị thiếu hụt canxi nên giảm cung cấp cho răng.
- Khi bị mòn đến một mức độ nhất định, răng sẽ tự động gãy ngang hoặc bị gãy khi chịu tác động lực rất nhỏ từ bên ngoài.
1.3. Do chịu tác động của ngoại lực
Phần lớn trường hợp mất răng nhưng vẫn còn chân răng xảy ra do gặp một số chấn thương do tai nạn hay té ngã, va đập vào vật cứng. Ngoài ra, một số hành động không tốt cho răng như dùng răng cắn vật cứng, mở nắp bia, kéo vật nặng đều cũng dẫn đến tình trạng này.
2. Biến chứng nguy hiểm khi mất răng chỉ còn chân răng
2.1. Mất chức năng ăn nhai
Răng có vai trò chính là hỗ trợ nhai, nghiền thức ăn. Do vậy, khi mất răng, chức năng này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt với trường hợp mất răng hàm số 6,7.
Ngoài ra, với trường hợp mất răng do sâu răng có thể gây đau cho người bệnh, khiến việc ăn uống cũng trở nên khó khăn hơn.
2.2. Viêm nhiễm ổ răng
Mất răng còn chân răng sẽ tạo ra các hốc lưu trữ thức ăn thừa và là nơi trú ngụ của các vi khuẩn gây hại cho răng miệng, gây tình trạng viêm lợi, hôi miệng…
Bên cạnh đó, khi răng bị vỡ, mẻ, mất răng, lợi ở các kẽ răng có thể bò vào lấp kín các hốc sâu răng, gây sưng lợi, chảy máu và dễ bị viêm nhiễm.
2.3. Viêm nhiễm tủy răng và vùng chóp
Mất răng chỉ còn chân răng dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, ăn sâu xuống dưới và vào tủy răng gây hiện tượng đau nhức, viêm tủy răng.
Nếu không được xử lý kịp thời, tủy bị viêm nhiễm sẽ ăn sâu xuống vùng chóp răng gây nhiễm trùng vùng chóp. Tình trạng này rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến cả các răng lân cận với các biểu hiện như đau, lung lay, sưng lợi và hình thành ổ áp xe tại chóp răng.
☛ Đọc thêm: Điều trị tủy răng có lâu không?
2.4. Ảnh hưởng các răng xung quanh
Viêm tủy răng và vùng chóp lâu ngày sẽ lan rộng và ảnh hưởng đến các vùng xung quanh. Viêm càng lan càng rộng, các răng lân cận càng bị ảnh hưởng càng nhiều, thậm chí phải nhổ bỏ đi gây mất nhiều răng.
2.5. Phá hủy xương hàm, tổn thương thần kinh
Không chỉ ảnh hưởng đến các răng lân cận, ổ nhiễm trùng còn ăn sâu xuống gây viêm xương hàm, lan rộng ra các phần mềm và tổ chức lân cận. Tình trạng này tương đối nghiêm trọng, rất khó kiểm soát và dễ dẫn tới nhiều tổn thương như phá hủy xương hàm, gãy xương hàm, tổn thương dây thần kinh, tổn thương mạch máu…
3. Biện pháp điều trị mất răng nhưng vẫn còn chân răng
Mất răng nhưng vẫn còn chân răng tức là tổ chức cứng của răng đã bị mất gần hết. Do vậy, việc điều trị tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao và bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Việc điều trị mất răng nhưng vẫn còn chân răng dựa trên nguyên tắc bảo tồn tối đa răng thật. Do vậy, tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị thích hợp. Cụ thể:
3.1. Đối với chân răng còn tốt
Với trường hợp mất răng do nguyên nhân tai nạn, chân răng còn tốt, không xảy ra viêm nhiễm vùng chóp, bác sĩ sẽ ưu tiên không nhỏ bỏ hoàn toàn để trồng răng mới. Thay vào đó, bác sĩ có thể tư vấn bệnh nhân áp dụng một số phương pháp sau:
Hàn trám răng
Hàn trám răng là phương pháp bù đắp những khoảng trống của răng, nhờ đó giúp hồi phục hình dạng và bảo vệ răng bị hỏng khỏi vi khuẩn xâm nhập và tấn công.
Điều kiện thực hiện hàn trám răng: chân răng còn dài, mô răng thật còn > ½ răng.
Với phương pháp này, bác sĩ nha khoa sẽ loại bỏ toàn bộ tác nhân gây sâu răng, làm sạch vùng răng đang bị ảnh hưởng và lấp kỹ những khoảng trống bằng các chất liệu chuyên dụng.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm như:
- Ngăn ngừa được các tác nhân gây hại đến răng.
- Cải thiện tình trạng sâu răng, hạn chế tối đa nguy cơ tái sâu răng.
- Đưa ra trở về trạng thái ban đầu, đảm bảo chức năng ăn nhai như răng thật.
- Không gây ảnh hưởng đến cấu trúc của răng, không can thiệp hay tác động mạnh đến răng.
- Tính thẩm mỹ cao.
- Giá thành rẻ.
Một số loại chất liệu dùng hàng trắng răng bao gồm: Amalgam, vàng và kim loại quý, xi măng, composite… Trong đó, vật liệu composite được sử dụng phổ biến nhất do có màu sắc tương đối giống với răng thật, đảm bảo tính thẩm mỹ tối đa.
☛ Đọc thêm: Sự khác biệt giữa hàn và trám răng là gì?
Bọc răng sứ thẩm mỹ
Răng sứ là một cấu trúc phục hình thân răng được thiết kế, gia công sao cho phù hợp nhất với từng người bệnh. Sau khi mài chỉnh răng thật, răng sứ sẽ được gắn cố định lên để khôi phục hình dáng thẩm mỹ và chức năng của các răng này.
Bọc răng sứ thẩm mỹ được áp dụng cho trường hợp:
- Chân răng còn dài và mô răng thật còn ½ -⅓ răng.
- Cùi răng thật còn lại có đủ diện tích để làm trụ cho mão răng sứ bọc bên ngoài.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm như:
- Tính thẩm mỹ cao do răng giả có hình dạng, màu sắc và kích thước hài hòa với các răng còn lại.
- Không tác động xâm lấn nên không làm ảnh hưởng đến chân răng thật của bệnh nhân.
- Thời gian thực hiện nhanh, chỉ trong 1 tuần.
- Khắc phục được các vấn đề về răng như vỡ, mẻ, sâu răng…
Nhược điểm của bọc răng sứ thẩm mỹ
- Độ nhạy cảm của răng giảm đi, không cảm nhận được nóng, lạnh như trước nữa.
- Cần mài răng thật nên đòi hỏi bác sĩ có tay nghề và trình độ cao. Bên cạnh đó, quá trình mài có thể chạm đến tuỷ răng, buộc phải lấy tuỷ, khi đó răng sẽ không còn khoẻ như trước.
- Răng dễ tổn thương hơn khi ăn phải đồ ăn cứng hoặc bị va đập, dẫn đến sai lệch khớp cắn và rối loạn thái dương hàm.
☛ Xem chi tiết: Dịch vụ bọc răng sứ thẩm mỹ chất lượng cao tại nha khoa Phú Hòa
3.2. Đôi với chân răng không còn tốt hay quá ngắn
Nếu chân răng yếu, quá ngắn hoặc có viêm nhiễm lan rộng bắt buộc phải nhổ bỏ chân răng, bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn bạn nhổ bỏ răng cũ và thay thế hoàn toàn bằng răng mới nhờ hai phương pháp sau:
Bắc cầu răng sứ
Phương pháp cầu răng sứ là phương pháp trồng răng giả cố định, dùng để thay thế khi bạn mất một hoặc nhiều răng kế tiếp nhau.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng dãy cầu sứ có cấu tạo gồm nhiều răng giả được chế tác dính liền nhau bằng keo nha khoa. Bác sĩ tiến hành mài hai răng thật ở hai bên vị trí răng bị mất để làm trụ cho cầu sứ, giúp cầu sứ đứng vững trên khung hàm. Tiếp đó, cầu răng được gắn cố định vào một trụ răng thật bên dưới bằng keo nha khoa.
Sau khi được cố định, bạn không thể tháo lắp răng như hàm giả thông thường. Do vậy, phương pháp có nhiều ưu điểm vượt trội như:
- Khả năng ăn nhai, cắn cao hơn dùng hàm giả tháo lắp.
- Tính thẩm mỹ cao, không dễ rớt ra như hàm giả tháo lắp.
- Tuổi thọ trung bình của hàm nếu được chăm sóc tốt khá cao, khoảng 7 – 10 năm.
- Thời gian điều trị ngắn, chỉ khoảng 2 – 3 ngày với 3 lần đến nha khoa.
- Chất liệu dùng làm răng giả khá an toàn với cơ thể như là răng sứ kim loại, răng toàn sứ, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại nhiều nhược điểm như:
- Không ngăn ngừa được tình trạng tiêu xương hàm, tụt nướu về lâu dài do không có chân răng tạo lực nhai và tác động lên xương hàm.
- Yêu cầu hai răng trụ phải mọc ngay ngắn, khỏe mạnh. Trong quá trình sử dụng nếu hai răng xảy ra bất kỳ tổn thương nào đều cần tháo cầu răng.
- Gây tổn thương hai răng trụ kế cận do cần mài mòn dể làm trụ cầu khiến chúng yếu hơn, dễ bị tổn thương và mắc các bệnh lý về răng miệng khác.
- Khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng do cầu răng sứ đặt phía trên nướu, không có chân răng nên thức ăn dễ mắc vào khe hở nhỏ giữa răng sứ và nướu, dẫn tới nhiều vấn đề răng miệng như viêm lợi, sâu kẽ răng…
Do vậy, hiện nay phương pháp cầu răng sứ ít được áp dụng hơn so với phương pháp trồng răng implant.
Trồng răng implant
Trồng răng implant là phương pháp ưu việt nhất hiện nay, khắc phục tình trạng mất răng còn chân răng nhưng không thể phục hồi.
Răng implant hoàn chỉnh bao gồm ba phần:
- Trụ răng implant.
- Khớp nối abutment.
- Mão răng sứ.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần chân răng bị hỏng và đặt một trụ Titanium vào bên trong xương hàm, thay thế vị trí của chân răng, rồi mới gắn khớp nối abutment và răng sứ phục hình lên trên trụ. Trụ Titanium hoạt động như một chân răng thật, tác động lực nhai của răng lên xương hàm, nhờ vậy giúp hạn chế tối đa nguy cơ tiêu xương hàm, tụt nướu hay viêm nhiễm lợi.
Một số đối tượng CHỐNG CHỈ ĐỊNH thực hiện phương pháp cấy ghép implant:
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Người chưa đủ 16 tuổi.
- Người mắc các bệnh lý mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp…
Phương pháp này đem lại rất nhiều ưu điểm như:
- Ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm dẫn tới lão hóa da, hóp má, biến dạng khuôn mặt.
- Đảm bảo chức năng ăn nhai như răng thật
- Tính thẩm mỹ cao do mão răng sứ được chế tác với kích thước và màu sắc tương đồng với màu răng thật nên rất khó nhận ra trồng răng giả.
- Nếu biết cách chăm sóc và bảo vệ răng miệng, răng implant có tuổi đời rất cao, thậm chí có thể tồn tại vĩnh viễn.
Nhược điểm của cấy ghép răng implant
- Thời gian thực hiện lâu: Bạn cần chờ khoảng 2 – 6 tháng để trụ răng implant tích hợp sinh học với xương hàm. Sau đó bác sĩ mới tiến hành gắn răng sứ lên khớp nối abutment.
- Chi phí điều trị cao.
- Đòi hỏi kỹ thuật thực hiện phức tạp, bác sĩ cần có chuyên môn giỏi, tay nghề cao.
☛ Đọc thêm: Quy trình trồng răng implant chi tiết
4. Quy trình phục hình mất răng nhưng còn chân răng
Khi bị mất răng nhưng vẫn còn chân răng, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của răng bị mất để chỉ định các phương pháp phục hình răng thích hợp nhất. Với mỗi phương pháp này, quy trình phục hình răng cũng khác nhau. Cụ thể là:
4.1. Trường hợp răng còn tốt có 1 chân răng
Nếu răng bị mất chỉ có 1 chân răng, các chân này vẫn còn tốt, không xảy ra viêm nhiễm hoặc viêm nhiễm nhẹ, không lan rộng, bác sĩ sẽ tiến hành phục hình răng theo các bước sau:
- Bước 1: Vệ sinh răng: Bác sĩ sẽ dùng máy thổi cát để loại bỏ các chất bẩn vùng quanh chân răng, bỏ hết phần lợi thừa bám trùm lên vùng răng mất.
- Bước 2: Điều trị tủy: Loại bỏ phần tủy viêm, làm sạch ống tủy và hàn trám bít ống tủy.
- Bước 3: Tái tạo phần thân răng.
- Bước 4: Hàn trám răng hoặc trồng răng sứ.
4.2. Trường hợp răng còn tốt có nhiều chân răng
Với trường hợp mất răng số 7 có nhiều chân răng, bác sĩ sẽ giữ lại 1 chân răng tốt nhất để làm trụ cho chụp răng ở trên:
- Bước 1: Chia tách các chân răng.
- Bước 2: Loại bỏ các chân răng thừa, chân răng bị hỏng.
- Bước 3: Chữa tủy cho chân răng, tái tạo phần thân răng bằng phương pháp răng sứ thẩm mỹ hoặc bắc cầu sứ.
4.3. Trường hợp chân răng không còn tốt
Với trường hợp này, bác sĩ sẽ:
- Bước 1: Nhổ bỏ chân răng, loại bỏ ổ viêm phòng ngừa ăn sâu, lan rộng.
- Bước 2: Trồng răng giả.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/molar-broken-off-at-the-gum-line
- https://www.portmandentalcare.com/dental-articles/chipped-and-broken-teeth
- https://www.news-medical.net/health/Dental-Filling-Procedure.aspx
- https://www.hovedentalclinic.co.uk/blog/porcelain-crowns/