Sau khi bọc răng sứ, mọi người thường cảm thấy ê buốt, đau nhức trong vài ngày gây khó khăn trong việc ăn uống. Vậy sau khi làm răng thì nên ăn và kiêng gì để làm giảm tình trạng khó chịu này và bảo vệ răng sứ tốt nhất? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Sau khi bọc răng sứ bao lâu có thể ăn uống bình thường?
Trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi bọc răng sứ, các bác sĩ nha khoa khuyến cáo bạn không nên thực hiện bất cứ hoạt động ăn nhai nào để răng được ổn định.
Sau khoảng 24h, bạn có thể ăn nhai gần như bình thường, nhưng nên lựa chọn những thực phẩm mềm để bảo vệ răng sứ tốt nhất và giảm đau nhức sau khi làm răng.
Vào tuần thứ hai, bạn có thể ăn thoải mái hơn nhưng tránh những thực phẩm đòi hỏi lực ăn nhai nhiều như thức ăn quá cứng, dai.
Từ tuần thứ 3 trở đi bạn có thể ăn uống như bình thường, bất cứ món gì mà bạn thích.
2. Sau khi bọc răng sứ nên ăn gì?
Người bọc răng sứ nên bổ sung một số thực phẩm sau:
2.1. Đồ ăn mềm, dễ nuốt
Sau khi bọc răng sứ, bạn nên ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, không cần nhai nhiều để giữ mối liên kết giữa răng thật và răng sứ được ổn định. Một số thực phẩm thuộc nhóm này bao gồm:
- Sinh tố trái cây như chuối, táo, ổi…: Chứa nhiều vitamin và khoáng chất mà dễ uống, không tác động nhiều lực đến chân răng. Bên cạnh đó, bạn có thể dễ dàng vệ sinh răng miệng hơn khi dùng sinh tố, hạn chế tích tụ thức ăn thừa tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, bạn có thể chọn những loại hoa quả mềm, mọng nước như việt quất, dâu tây…
- Các loại mì: Ngoài lý do những thực phẩm này mềm thích hợp để ăn sau khi bọc răng sứ nó còn giúp bạn no lâu hơn, giảm cảm giác đói, hạn chế được số bữa ăn trong ngày giảm lực tác động lên răng.
- Súp và các món hầm: Đây là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người sau khi tiến hành bọc răng sứ. Món này có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau nên bạn có thể luân phiên thay thế, tránh ăn một món nhiều lần gây nhàm chán. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến nhiệt độ của thức ăn nên ăn khi chúng đã nguội hoặc hơi ấm, tránh nóng quá gây tổn thương nướu.
- Sữa và trứng: Thực phẩm giàu protein này giúp thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương và giảm ma sát gây hại cho răng sứ vừa làm.
- Thịt gà, thịt lợn xay nhỏ: Bên cạnh những thực phẩm cung cấp protein có tính chất mềm, dễ nuốt ở trên bạn có thể bổ sung thêm dạng cứng hơn như thịt gà, thịt lợn, cá… bằng cách xay nhuyễn. Bởi vì chúng cần được thêm vào bữa ăn để cơ thể đủ chất dinh dưỡng.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn sữa chua, khoai tây nghiền…
Sau khi răng và nướu đỡ đau hơn, bạn có thể cải thiện chế độ ăn uống chứa nhiều loại thực phẩm mà mình thích hơn.
2.2. Thực phẩm giàu canxi, sắt
Sau khoảng 2 tuần, để răng chắc khỏe bạn cần bổ sung những thực phẩm giàu chất khoáng như canxi, sắt, kali và flour. Chúng giúp tăng cường mật độ xương, tăng cường sức khỏe của răng thật để tạo điểm tựa vững chắc cho răng sứ.
Một số thực phẩm giàu khoáng chất như sữa chua, rau xanh thẫm màu, nước hầm xương, sữa không béo hoặc ít béo, đậu phụ, trứng, cá biển…
2.3. Nước
Bên cạnh những thực phẩm mềm, dễ nuốt, bạn cũng cần đảm bảo uống đủ nước để hạn chế tình trạng khô miệng.
Bác sĩ nha khoa khuyến cáo bạn cần uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
☛ Tham khảo: Bọc răng sứ bị hôi miệng do đâu?
3. Sau khi bọc răng sứ nên kiêng ăn gì?
Hạn chế một số thực phẩm gây hại cho răng là điều cần thiết để đảm bảo răng sứ hoạt động như một chiếc răng thật.
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, bạn cần tránh những món ăn sau để giảm các giác ê buốt và bảo vệ răng sứ:
3.1. Thức ăn quá cứng, giòn, dai, dính
Sau khi làm răng sứ, các mối liên kết giữa răng sứ và chân răng chưa hoàn toàn được chắc chắn. Do vậy nếu cần lực lớn để ăn nhai thức ăn quá cứng, giòn, dai hay dính có thể khiến răng sứ bị lỏng lẻo. Bên cạnh đó, tuy răng sứ có độ cứng gấp nhiều lần răng thật nhưng lực đàn hồi và độ dẻo dai thì không bằng nên nó vẫn có nguy cơ vỡ, mẻ.
☛ Xem thêm: Phương pháp khắc phục răng sứ bị sứt mẻ
Ngoài ra, những thực phẩm quá dính sẽ gắn chặt vào răng sứ khiến răng dễ bong ra ngoài hơn.
Vì vậy, bạn nên tránh sử dụng các món ăn quá cứng, giòn, dai và dính, đặc biệt là trong tuần đầu sau khi bọc răng sứ.
Một số thực phẩm thuộc nhóm này như:
- Thực phẩm dính, dai như kẹo dẻo, kẹo cao su, thịt bò… Đặc biệt là nho khô mặc dù giàu vitamin, khoáng chất và nhiều chất dinh dưỡng khác nhưng nó có thể quá dính với người bọc răng sứ, làm hỏng liên kết giữa chân răng thật và răng sứ.
- Thực phẩm quá cứng, giòn: Bánh quy, bánh mì nướng, các loại hoa quả chưa xay nhuyễn, dưa chuột, cà rốt nguyên củ… khiến răng cần một lực lớn để ăn nhai. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng răng sứ mới làm. Vì vậy, bạn nên nấu chín rau, ép thành nước hay làm sinh tố hoa quả trước khi sử dụng.
3.2. Thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh
Răng rất nhạy cảm sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa. Vì vậy, nếu có chênh lệch nhiệt độ của răng với thức ăn quá lớn có thể làm tăng cảm giác ê buốt, nhất là với những trường hợp bị tổn thương nướu sau khi bọc răng sứ. Do đó, bạn nên tránh ăn những thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh để có cảm giác dễ chịu hơn và bảo vệ răng sứ được tốt nhất.
Các thực phẩm bạn cần hạn chế bao gồm cà phê, súp nóng, kem, đồ uống có đá…
3.3. Thực phẩm dễ gây xỉn màu răng
Thông thường răng sứ sẽ không dễ bị chuyển màu nhiều như răng thật. Tuy nhiên, nếu sử dụng dùng thực phẩm có màu đậm thường xuyên, nhất là sau khi làm răng sứ thì có nguy cơ làm xỉn màu cả răng sứ và răng thật.
Vì vậy những người bọc răng sứ không nên sử dụng những thực phẩm một số thực phẩm như cafe, trà, cà ri, nước ngọt có ga, mận…
☛ Tham khảo thêm: Làm trắng răng bằng thảo dược tự nhiên
3.4. Các loại hạt
Phương pháp bọc răng sứ giúp bao phủ toàn bộ thân răng thật nhưng tại vị trí đặc biệt giữa chụp sứ và răng thật vẫn không thể vừa khít hoàn toàn được. Do đó, một số thức ăn với kích thước nhỏ có thể len lỏi và bám vào bên trong gây ảnh hưởng tới răng. Vì vậy, bạn nên hạn chế một số thực phẩm dễ di chuyển vào các kẽ răng như hạt vừng, hạt tiêu xay…
3.5. Thức ăn chứa nhiều đường
Vi khuẩn trong miệng có khả năng chuyển hóa đường thành acid gây ảnh hưởng không tốt cho răng thật. Một khi răng được gắn mão, nó không cần chăm sóc đặc biệt và không yêu cầu chế độ ăn kiêng nào. Tuy nhiên, răng thật chụp sứ lên vẫn dễ bị sâu hoặc mắc các bệnh về nướu. Vì vậy, bạn nên tránh ăn những thực phẩm chứa nhiều đường để bảo vệ răng.
Một số thực phẩm cần tránh như bánh kẹo, bỏng ngô ngọt, các loại thạch…
3.6. Những loại thực phẩm chua
Những thực phẩm chua như cam, dưa muối… chứa nhiều acid có thể gây xót phần nướu vừa mới làm răng xong. Ngoài ra, những loại đồ ăn này còn làm tăng nguy cơ hỏng men răng, nếu vệ sinh răng miệng không sạch có thể bị nhiễm khuẩn và mắc một số bệnh lý răng miệng khác.
3.7. Rượu
Những người uống rượu gặp nhiều vấn đề về chảy máu nướu hơn những người không uống rượu và hút thuốc. Sau khi mão răng được gắn vào răng thật bạn cần tránh dùng thức uống có cồn vì:
- Cồn có tính acid nhẹ, theo thời gian nó có thể khiến mài mòn và làm suy yếu men răng.
- Rượu gây khô miệng có thể dẫn đến sâu răng.
Nếu bạn là người thường xuyên uống rượu nên hạn chế ít nhất 2 – 3 ngày sau khi lắp răng sứ.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Bọc răng sứ xong có kiêng gì không?
4. Gợi ý thực đơn 1 tuần sau khi bọc răng sứ
Sau khi làm răng, bạn sẽ có cảm giác hơi ê buốt, sau đó giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên điều này có thể vẫn khiến bạn thấy khó chịu, trong tuần đầu tiên bạn hãy luân phiên ăn các thức ăn mềm như mì ống, thịt nạc xay nhỏ, nước ép hoa quả, cháo, súp… Đồng thời, bạn hạn chế tối đa những thực phẩm khuyến cáo không nên ăn sau khi bọc răng sứ được nêu ở trên.
Mỗi người sẽ thích ăn các loại thực phẩm riêng nên bạn có thể lựa chọn chế độ ăn uống theo nhu cầu của mình. Chúng tôi xin gợi ý thực đơn trong 1 tuần đầu sau khi bọc răng sứ như sau:
Sáng | Trưa | Tối | |
Thứ 2 | Cháo thịt băm | Mì xào thập cẩm
Salad rau trộn Thanh long tráng miệng |
Súp gà
Sinh tố chuối Rau cải luộc Sữa chua nha đam |
Thứ 3 | Bún mọc | Cháo thịt băm
Súp lơ luộc Khoai lang luộc Sinh tố ổi |
Cá kho riềng
Canh dưa chua Rau chân vịt luộc Sinh tố táo |
Thứ 4 | Bánh cuốn | Trứng chiên
Bắp cải xào Hoa quả dầm |
Súp bí đỏ + bông cải xanh
Sinh tố táo |
Thứ 5 | Ngũ cốc
Sữa |
Chả cá
Đậu phụ Rau mồng tơi nấu canh Na tráng miệng |
Súp cua thập cẩm
Sữa chua |
Thứ 6 | Bún mọc | Mì xào thập cẩm
Sinh tố bưởi |
Gà xé nhỏ xào nấm
Thịt băm rang Rau khoai lang luộc |
Thứ 7 | Cháo trai
Sữa chua |
Cháo bí đỏ hạnh nhân
Chuối tráng miệng |
Súp nấm thịt
Canh xương hầm bí Rau cải bắp luộc Sinh tố chuối |
Chủ nhật | Yến mạch | Cháo thịt băm
Bưởi tráng miệng |
Cá nấu canh chua
Sinh tố cà rốt Salad hoa quả |
Từ tuần thứ 2 trở đi, bạn có thể thoải mái hơn trong việc lựa chọn thực phẩm mà mình thích. Bạn nên ăn 3 bữa trong ngày để bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp mô xung quanh răng phát triển bình thường.
5. Những lưu ý khác sau khi bọc răng sứ?
Bên cạnh những lưu ý về chế độ ăn uống, bạn cũng cần chú ý về cách vệ sinh răng miệng, loại bỏ những thói quen không tốt gây hại cho răng sứ như:
– Vệ sinh răng miệng:
- Súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng hay nước muối sinh lý để giữ vệ sinh răng miệng thật tốt, tránh bị nhiễm trùng, nhất là với người bị tổn thương nướu khi làm răng sứ.
- Đánh răng bằng bàn chải lông mềm mỗi ngày 2 lần.
- Bạn nên lựa chọn kem đánh răng có chứa flour để giữ răng được khoẻ nhất.
- Dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng sau khi ăn, bởi việc này giúp làm sạch từng kẽ răng và mảng bám thức ăn còn sót lại. Hạn chế xỉa răng ở cả hai bên mão răng để tránh bong.
- Bạn nên đi thăm khám tại các cơ sở nha khoa và lấy cao răng thường xuyên.
– Loại bỏ thói quen gây hại cho răng:
- Đeo hàm giúp loại bỏ thói quen nghiến răng, cắn móng tay, nhất là bạn đang trong tuần đầu tiên sau khi bọc răng.
- Không hút thuốc lá vì chúng làm cho phần liên kết răng thật và răng sứ bị khô.
- Hạn chế số lượng nhai ở bên đặt răng sứ để giảm lực tối đa lên chiếc răng này.
– Dùng thuốc đúng cách: Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng răng, thuốc giảm đau để bớt cảm giác khó chịu, bạn cần dùng theo đúng chỉ định.
Trên đây là những thực phẩm nên ăn và không nên ăn sau khi bọc răng sứ. Bạn có thể tự quyết định các thực phẩm cho bữa ăn để phù hợp với nhu cầu ăn uống của mình. Điều quan trọng là trong tuần đầu tiên, bạn cần ăn những thực phẩm mềm, dễ nuốt để hạn chế tác động nhiều đến răng. Mong rằng những thông tin phía trên có thể giúp ích được cho bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!
Nguồn tham khảo
- https://www.ushealthgroup.com/2021/12/09/foods-to-eat-avoid-after-getting-tooth-crown/